Nhiều dự án đang được đẩy nhanh tiến độ để đưa sản phẩm ra thị trường. “Điểm nghẽn” pháp lý dần được tháo gỡ, dòng tiền bắt đầu được “bơm” trở lại…
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TP.HCM cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng tăng cường nguồn vốn cho các dự án, doanh nghiệp bất động sản. Cụ thể, đối với các dự án có đầy đủ pháp lý thì đảm bảo vốn vay khi chủ đầu tư có nhu cầu. Bên cạnh đó, ngân hàng chủ động phân loại doanh nghiệp, dự án bất động sản theo từng phân khúc để từ đó có giải pháp cho vay phù hợp.
“Bốn ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối (gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank) cũng đang triển khai gói cho vay 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của chính các ngân hàng này. Gói tín dụng dành cho chủ đầu tư dự án với lãi suất 8,7%/năm và người mua nhà xã hội là 8,2%/năm. Đây là mức lãi suất khá ‘mềm’ cho kỳ hạn vay trung và dài hạn. Vấn đề còn lại là phải có dự án nhà ở xã hội hay chủ đầu tư cải tạo chung cư cũ thì ngân hàng mới có thể cho vay”, ông Lệnh nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, với thị trường bất động sản, vốn chủ sở hữu hay vốn vay ngân hàng là nguồn vốn đầu vào để doanh nghiệp thực hiện dự án, còn nguồn vốn cơ bản nhất để doanh nghiệp tồn tại và phát triển vẫn phải đến từ việc bán sản phẩm, tức là nguồn vốn từ khách hàng.
Thị trường bất động sản dường như đã đi đến giai đoạn cuối của quá trình điều chỉnh và do bớt khó khăn về dòng tiền, nhiều chủ đầu tư từng trải qua giai đoạn gập ghềnh trước đó bắt đầu xốc lại tinh thần và có các động thái tái khởi động cho một chu kỳ mới.
Trong tháng 5 này, chủ đầu tư Novaland và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Ricons sẽ chính thức tái khởi động việc xây dựng dự án The Grand Manhattan tại quận 1, sau khi được TP.HCM “bật đèn xanh” gỡ vướng pháp lý và được Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cam kết tài trợ vốn, bao gồm cả gói tín dụng cho người mua nhà tại dự án.
Ngoài ra, Novaland còn chuẩn bị nguồn lực để tháng 6 tới triển khai một loạt dự án trọng điểm khác tại TP.HCM và các địa phương lân cận, bàn giao nhà theo từng giai đoạn cho khách hàng, đồng thời linh hoạt điều chỉnh kế hoạch triển khai xây dựng các phân khu dự án cho phù hợp với thực tiễn.
Tập đoàn Hưng Thịnh cũng cho biết, sau thời gian tạm ngưng triển khai hoạt động thi công do gặp khó về dòng tiền và thủ tục pháp lý, đến thời điểm hiện tại, Công ty đã thỏa thuận được với phía ngân hàng về việc tài trợ vốn cho các dự án để tiếp tục việc xây dựng. Theo kế hoạch, trong tháng 5/2023, một loạt dự án từ TP.HCM đến Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định… sẽ cùng được tái khởi động.
Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư Danh Khôi Holdings (DKRH) – chủ đầu tư dự án Astral City (Bình Dương) chính thức có thông báo gửi khách hàng và đối tác về việc dự án đã được tỉnh Bình Dương tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục pháp lý, đồng thời được ngân hàng cam kết tài trợ vốn để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tiến đến việc ký hợp đồng mua bán với khách hàng.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 mới đây, Tập đoàn Danh Khôi – công ty mẹ DKRH, đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 200 tỷ đồng (tăng 3% so với thực hiện năm 2022) và lợi nhuận sau thuế đạt 50 tỷ đồng. Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, đại diện Danh Khôi cho biết, Công ty sẽ xúc tiến việc hoàn thiện pháp lý, thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để khởi động lại các dự án, trước mắt tập trung vào 4 dự án trọng điểm do đã chuẩn chỉnh về mặt pháp lý gồm Astral City (Bình Dương), Welltone Luxury Residence (Nha Trang), The Royal Boutique Hotel & Condo Đà Nẵng và Nhơn Hội New City (Bình Định) với gần 8.000 sản phẩm.
Tổng giám đốc một tập đoàn bất động sản đang triển khai dự án đại đô thị tại TP. Thủ Đức, TP.HCM cho hay, tập đoàn này đã chuẩn bị đầy đủ các thủ tục pháp lý và nguồn vốn để ngay trong quý II này hoặc chậm nhất là quý III tới sẽ khởi công xây dựng các block căn hộ cao cấp trong lòng đại đô thị này.
“Điểm nghẽn” pháp lý từng bước được tháo gỡ, dòng vốn tín dụng bắt đầu “bơm” trở lại cho các dự án, song một vấn đề quan trọng khác đang khiến không ít chủ đầu tư lo lắng, đó là đầu ra của thị trường sẽ ra sao.
Theo số liệu thống kê từ Công ty DKRA Vietnam, cả nguồn cung lẫn giao dịch bất động sản tại TP.HCM và vùng phụ cận thời gian qua đều sụt giảm “thê thảm”. Cụ thể, trong quý I/2023, trên thị trường đất nền TP.HCM và vùng phụ cận, chỉ có khoảng 400 sản phẩm được đưa ra thị trường và 78 sản phẩm được tiêu thụ, giảm gần 80% so với cùng kỳ năm 2022 và chủ yếu tập trung tại sản có phẩm pháp lý hoàn chỉnh, bất chấp việc các chủ đầu tư đưa ra nhiều chương trình chiết khấu, giảm giá, thanh toán chậm…, thậm chí có dự án chiết khấu, giảm giá đến 40% mà vẫn khó bán hàng.
“Hiện nay, thị trường nhà ở đang lệch pha cung – cầu khi nguồn cung nhà ở xã hội và nhà bình dân vô cùng khan hiếm, thậm chí tuyệt chủng. Thị trường bất động sản du lịch cũng không là ngoại lệ khi giao dịch gần như ‘đóng băng’”, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Vietnam nói và cho rằng, vấn đề quan trọng nhất lúc này là củng cố niềm tin cho bên mua. Trước đây, cơ quan quản lý đưa ra gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất thấp nên đã kích hoạt thành công phân khúc nhà ở xã hội, từ đó lan tỏa sự tích cực ra các phân khúc khác, giúp thị trường bất động sản hồi phục nhanh chóng. Trong khi hiện nay, Ngân hàng Nhà nước tung ra gói tín dụng 120.000 tỷ đồng nhưng chưa tác động nhiều.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư)