Thị trường bất động sản sẽ khó hồi phục ngay, mà phải từ cuối quý IV/2023 – đầu năm 2024 trở đi, khi xuất hiện nhiều hơn các yếu tố hỗ trợ như thị trường chứng khoán tăng trưởng ổn định, lãi suất cho vay điều chỉnh thực chất hơn, nới cho vay bất động sản cá nhân…
Thanh khoản của thị trường bất động sản được ví là điểm mấu chốt tạo ra sự đóng băng hoặc phục hồi cho kênh đầu tư này. Khi thanh khoản tăng, đồng nghĩa lượng giao dịch cũng tăng, doanh nghiệp địa ốc sẽ có dòng nhựa sống để nuôi bộ máy và triển khai dự án. Ngược lại, nếu thanh khoản giảm, thị trường sẽ rơi vào trạng thái trầm lắng, việc huy động vốn từ khách hàng của các doanh nghiệp trở nên khó khăn khiến các hoạt động triển khai dự án cũng trở nên chật vật.
Theo nhiều chuyên gia, sự sụt giảm về thanh khoản đang là vấn đề khó khăn nhất của thị trường địa ốc hiện nay. Và không chỉ thanh khoản thị trường bất động sản mà thanh khoản của cả hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính cũng đang suy giảm mạnh.
Nguyên nhân chính của sự suy giảm này là do niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường chưa được hồi phục. Hiện nay, dòng tiền trong dân khá tốt nhưng họ không dám đầu tư, rót tiền vào bất động sản do chi phí vốn, lãi suất ngân hàng tăng cao. Phần khác là sợ thị trường sẽ còn nhiều biến động.
“Để giải quyết câu chuyện thanh khoản cho thị trường phải giải quyết từ câu chuyện khôi phục niềm tin. Và làm sao để khôi phục niềm tin thì lại cần cả những giải pháp mang tính tình thế và giải pháp lâu dài. Điều này cũng có nghĩa, không thể để các doanh nghiệp địa ốc “tự bơi” trong mớ hỗn độn đầy khó khăn như hiện tại mà cần có sự trợ lực của cả phía Nhà nước”.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cho rằng, dù thị trường bất động sản đang được rốt ráo gỡ vướng nhưng sẽ khó có thể hồi phục ngay, mà phải từ cuối quý IV/2023 – đầu năm 2024 trở đi, khi xuất hiện nhiều hơn các yếu tố hỗ trợ như thị trường chứng khoán tăng trưởng ổn định, lãi suất cho vay điều chỉnh thực chất hơn, nới cho vay bất động sản cá nhân…
Theo ông Quang, lãi suất điều hành đang trên đà giảm về dưới 8%/năm, lãi suất cho vay có xu hướng điều chỉnh về ngưỡng trên dưới 12%/năm, tín dụng bất động sản hiện “cởi mở” hơn so với thời điểm đầu năm và thị trường chứng khoán tăng trở lại thời gian gần đây… là những tia hy vọng cho thị trường bất động sản.
“Để cải thiện thanh khoản, giá tài sản cần giảm thêm để kích cầu. Việc các chủ doanh nghiệp bán tài sản để trả nợ hay giảm giá bán sản phẩm để duy trì bộ máy cho thấy phản ứng linh hoạt và hợp lý. Sự ‘hy sinh’ này cũng góp phần vào việc ‘rã băng’ bất động sản”, ông Quang nói.
Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, vấn đề mấu chốt giúp thị trường vận hành ổn định trở lại là phải tăng cả cung lẫn cầu.
Với vấn đề mấu chốt đầu tiên là tăng sức cầu, theo ông Châu, việc thanh khoản chưa mấy cải thiện do sức cầu thị trường còn yếu dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tiếp tục bị thiếu dòng tiền, trong khi các kênh huy động khác như trái phiếu doanh nghiệp hay huy động từ người mua nhà vẫn còn khó khăn, nên việc được tiếp cận nguồn vốn tín dụng như là “chiếc phao cứu sinh” đối với các doanh nghiệp bất động sản lúc này.
“Trong bối cảnh thị trường địa ốc còn rất khó khăn, giải pháp tín dụng là giải pháp có tính đột phá và lan tỏa nhanh nhất, rộng khắp nhất. Đây là một quyết sách rất quan trọng tại Nghị quyết 97/NQ-CP của Chính phủ khi giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả…”, ông Châu nói.
Về vấn đề mấu chốt thứ hai là tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản, ông Châu cho rằng, trước hết cần đẩy nhanh tháo gỡ vướng mắc pháp lý dự án, song song với đó là điều chỉnh cơ cấu sản phẩm nhà ở để tăng nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá vừa túi tiền ra thị trường – phân khúc sản phẩm đang có nhu cầu rất lớn hiện nay.
“Thời gian qua, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương đã tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý dự án là vướng mắc lớn nhất, mà đầu tiên là Quốc hội tập trung thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, tiếp đến là nỗ lực của Chính phủ thể hiện rõ nét qua việc ban hành tới 44 nghị định chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023. Bên cạnh đó, các Tổ công tác của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và các địa phương đã nỗ lực tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho hàng trăm dự án bất động sản, nhà ở thương mại, đô thị trong cả nước… sẽ giúp làm tăng nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở trong thời gian tới”, ông Châu cho hay.
Tổng Hợp
(ĐTCK)