Vay nợ tài chính đã là hình thức quen thuộc để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh. Thế nhưng ở một số doanh nghiệp bất động sản, nợ tài chính lại đang chiếm tỷ trọng quá lớn.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản có nguồn vốn chính từ đi vay với tỷ suất nợ vay/tổng nguồn vốn trên 30% như Kosy, CEO, BCM, HDC…
Quy mô nhỏ nhưng đi vay nợ to phải nhắc đến Công ty CP Bất động sản Sài Gòn Vina (LSG – Land Saigon). Doanh nghiệp này tổng nguồn vốn chỉ ở mức 3.841 tỷ đồng thế nhưng đến 70,7% là vốn vay tài chính.
Cụ thể, tính đến 30/6/2020, nợ phải trả của Land Saigon chiếm 2.876 tỷ đồng, tăng thêm gần 500 tỷ đồng trong vòng 6 tháng, tương đương chiếm 75% tổng nguồn vốn. Trong đó chủ yếu là vay nợ tài chính.
Đặc biệt, vay nợ tài chính ngắn hạn đã tăng gấp 2,5 lần trong vòng 6 tháng, từ 361 tỷ đồng lên 915 tỷ đồng.
Land Saigon là doanh nghiệp từng gây xôn xao khi huy động 2.000 tỷ đồng qua trái phiếu trong năm 2019. Trên các báo cáo tài chính tự lập, LSG thường không đưa ra thuyết minh chi tiết cho các khoản vay tài chính trên.
Tuy nhiên báo cáo kiểm toán năm 2019 cho biết, tính đến cuối năm 2019, LSG có khoản vay trái phiếu hơn 1.132 tỷ đồng. Trong đó 1.000 tỷ là trái phiếu phát hành năm 2018.
Năm 2019, công ty phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu nhưng đến 26/12/2019 công ty đã mua lại 1.867 tỷ nên số trái phiếu còn lại của đợt phát hành trên chỉ còn 1.329 trái phiếu trị giá 132,9 tỷ đồng.
Trong khi ôm một khối nợ như vậy, Land Saigon lại không hề ghi nhận một đồng doanh thu nào trong nửa đầu năm. Tình trạng này đã diễn ra từ đầu năm 2019 đến nay. LSG gần như sống dựa vào doanh thu tài chính trong khi đó, chi phí lãi vay vẫn liên tục tăng ở mức cao.
Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu bằng 0 nhưng chi phí lãi vay đã ngốn hơn 85,5 tỷ đồng, vượt quá cả doanh thu từ hoạt động tài chính (67 tỷ đồng) khiến Land Saigon lỗ ròg hơn 21,8 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, công ty vẫn ghi nhận lãi 70,9 tỷ đồng.
Nếu Land Saigon là một công ty quy mô trung bình ở miền Nam có tỷ trọng nợ vay/nguồn vốn lớn thì ở phía Bắc, 2 công ty quen thuộc là Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (HDG) và Công ty CP Đầu tư Văn Phú Invest (VPI) được điểm danh trong danh sách này với tỷ trọng nợ vay đều trên 40%.
Với HDG, trong 6 tháng đầu năm, công ty phải trả hơn 164 tỷ đồng chi phí lãi vay, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng nợ phải trả tính đến 30/6/2020 là 9.661 tỷ đồng, tương đương chiếm 72% tổng nguồn vốn. Mặc dù con số này giảm nhẹ so với hồi đầu năm hơn 900 tỷ nhưng vay nợ tài chính lại tăng.
Tổng nợ vay tài chính cuối quý 2 ở mức 6.064 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. So với hồi đầu năm, HDG có phát sinh khoản vay trái phiếu hơn 877 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn vay ngân hàng dài hạn 4.345 tỷ và ngắn hạn 193 tỷ. Còn lại là khoản vay cá nhân và công ty khác.
Bảng lưu chuyển tiền tệ cho thấy trong kỳ tiền thu từ đi vay là 457,9 tỷ thì trả nợ gốc vay đã hơn 685,9 tỷ, dẫn đến việc lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính âm hơn 319 tỷ đồng.
Còn ở phía Công ty CP Đầu tư Văn Phú Invest (VPI), lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính cũng âm 457 tỷ đồng trong kỳ khi thu từ đi vay 649 tỷ đồng nhưng chi hơn 1.125 tỷ đồng để trả nợ gốc vay.
Nợ phải trả của Văn Phú Invest tính đến cuối quý 2 vừa qua chiếm 6.594 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với hồi đầu năm, tương đương chiếm 70,9% tổng nguồn vốn doanh nghiệp.
Trong đó, vay ngắn hạn tăng từ 1.695 tỷ đồng lên 1.842 tỷ, vay dài hạn chiếm 1.945 tỷ đồng. Như vậy trong cơ cấu nguồn vốn của VPI, hơn 40% là tiền vay nợ tài chính. Hiện VPI vay ngân hàng ngắn hạn hơn 851 tỷ đồng và dài hạn là 1.696 tỷ đồng. VPI cũng đang vay gần 850 tỷ từ trái phiếu.
Ngoài những doanh nghiệp trên, còn khá nhiều doanh nghiệp bất động sản có nguồn vốn chính từ đi vay với tỷ suất nợ vay/tổng nguồn vốn trên 30% như Kosy, CEO, BCM, HDC…
Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp bất động sản đã phản ánh tình trạng phát hành trái phiếu lớn của nhóm ngành này. Doanh nghiệp nhóm ngành bất động sản có mức phát hành lớn thứ 2 trên thị trường, chỉ đứng sau các tổ chức tín dụng.
Theo thông tin từ MBS cho biết, tính lũy kế từ đầu năm, số trái phiếu đã phát hành qua HNX đạt gần 180 nghìn tỷ đồng. Khối lượng đăng ký chào bán trái phiếu tăng vọt trong tháng 7, cao nhất từ đầu năm do các tổ chức phát hành muốn tận dụng khoảng thời gian trước khi nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực vào đầu tháng 9. Dự kiến các tổ chức sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phát hành trái phiếu trong tháng 8 này.
Lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo nhóm ngành trong tháng 7 (nghìn tỷ đồng). Nguồn: MBS.
Nguyễn Mạnh