Các động thái siết lại quản lý trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần đây là cần thiết, để thị trường phát triển lành mạnh và đi đúng hướng. Dịch vụ xếp hạng tín nhiệm phát triển sẽ giúp thị trường không còn cảnh vàng thau lẫn lộn.
Vai trò của các công ty xếp hạng tín nhiệm là không phải bàn cãi, nhất là với các thị trường tài chính non trẻ, tính minh bạch chưa cao như ở nước ta. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đây vẫn chủ yếu là sân chơi của doanh nghiệp nước ngoài. Bối cảnh hiện tại, cũng như những gì mà thị trường vừa trải qua thời gian gần đây càng cho thấy sự cần thiết của các công ty nhóm này.
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 2 công ty xếp hạng tín nhiệm là Saigon Ratings và FiinRatings. Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân, trong quá khứ, các công ty tư nhân chưa được tham gia vào lĩnh vực này vì lo ngại năng lực không đủ, dẫn đến những đánh giá không chính xác và gây nhiễu loạn thông tin. Tuy nhiên, việc mở cánh cửa cho sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp trong nước là điều nên cổ vũ, bởi lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm rất quan trọng cho thị trường tài chính, giúp nâng cao nhận thức cho thị trường. Tuy nhiên, cũng cần có tiêu chuẩn, rào cản để doanh nghiệp chỉ tham gia khi đáp ứng được các điều kiện kỹ thuật.
“Sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào lĩnh vực này cũng rất tốt. Còn nếu bắt tay được khối ngoại thì còn tốt hơn nữa vì có thể tận dụng được thế mạnh công nghệ, kỹ thuật, nhân sự, phương pháp và kinh nghiệm của khối ngoại, giúp nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước và có lợi cho thị trường chung”, ông Anh nhấn mạnh. Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng cho rằng, hiện thị trường đã có 2 công ty xếp hạng tín nhiệm “thuần Việt”. Trước mắt, yêu cầu đặt ra là bản thân các công ty cung cấp dịch vụ định hạng tín nhiệm trong nước phải nâng cao năng lực để đáp ứng tốt yêu cầu nghiệp vụ.
Cùng với đó, thị trường cũng cần có thêm các công ty khác để nâng cao tính cạnh tranh. Nên cân nhắc cho phép các tổ chức nước ngoài tham gia để phát triển thị trường hiệu quả hơn. “Nếu kết hợp được hai yếu tố nội – ngoại là rất tốt, giúp năng lực thẩm định được nâng cao. Còn riêng với tổ chức xếp hạng tín nhiệm ngoại thì nên cân nhắc cho các thương vụ lớn, vì việc làm này liên quan nhiều đến khâu thẩm định, minh bạch thông tin và mất nhiều thời gian”, ông Lực đánh giá.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, trong khi thị trường tài chính cần có sự chỉnh đốn mạnh mẽ để tạo nên một thị trường minh bạch, ổn định và bền vững, thì sự đóng góp của các công ty xếp hạng tín nhiệm là rất quan trọng và được thị trường quan tâm.
Trong khi đó, theo đại diện của Saigon Ratings, đơn vị này đã và đang thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ đánh giá xếp hạng lần đầu và giám sát cập nhật hàng năm cho 10 khách hàng doanh nghiệp, tổ chức tài chính trong nước và FDI. Trong thời gian tới, dự kiến Saigon Ratings tiếp tục công bố thông tin về kết quả đánh giá xếp hạng tín nhiệm cho khoảng 10 – 15 tổ chức phát hành trên thị trường.
Để đáp ứng tốt đòi hỏi từ thị trường, Saigon Ratings và đối tác hợp tác đào tạo quốc tế đang khẩn trương chuẩn bị tổ chức khoá đào tạo nghiệp vụ xếp hạng tín nhiệm quốc tế, đầu tiên vào đầu tháng 5/2022, cho đội ngũ nhân sự chuyên môn Saigon Ratings. Các khóa đào tạo thứ 2 và thứ 3 sẽ diễn ra trong các năm tiếp theo.
Nhà đầu tư cũng không nên vì thế mà mất lòng tin vào trái phiếu doanh nghiệp, rời bỏ thị trường, không nên vì một vài sự việc mà có cái nhìn phiến diện, thậm chí cực đoan về trái phiếu. Hiện nhiều nhà đầu tư, các quỹ đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến trái phiếu doanh nghiệp, tuy nhiên, rào cản khiến họ còn e dè phần vì quy mô thị trường còn nhỏ, phần khác vì tính minh bạch chưa cao. Nếu làm tốt công tác xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp có thể gỡ được nút thắt trong thu hút dòng vốn ngoại vào kênh này.
Tổng Hợp