Doanh nghiệp bất động sản dịch chuyển từ TP.HCM sang các tỉnh, thành khác không phải là xu hướng quá mới. Trước đây, khi thị trường bất động sản TP.HCM phát triển, sự chú ý với các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Long An, Bình Dương chưa nhiều.
Việc dịch chuyển các dự án ra đô thị ven TP.HCM là chiến lược của doanh nghiệp để tồn tại, thích ứng linh hoạt trong thời kỳ khó khăn. Nhu cầu nhà ở tại TP.HCM luôn ở mức rất cao. Do đó, khi các yếu tố vướng mắc về pháp lý được tháo gỡ, chắc chắc các doanh nghiệp bất động sản sẽ tự động quay lại phát triển thị trường này.
Giám đốc cao cấp của Savills Việt Nam Sử Ngọc Khương minh chứng một doanh nghiệp mất 2-3 năm từ lúc được chấp thuận chủ trương đầu tư đến khi được phê duyệt quy hoạch 1/500. Sau đó, việc xác định nghĩa vụ tài chính mất thêm ít nhất 6 tháng trong trường hợp các sở, ngành của địa phương đồng thuận.
Nếu không, thời gian lại càng kéo dài. Ông Khương cho biết nhiều doanh nghiệp muốn đóng tiền sử dụng đất để hoàn thiện pháp lý mà không được. Do đó, các chủ đầu tư phải tìm kiếm những địa điểm “mưa thuận gió hòa” để có thể hoàn tất nhanh nhất thủ tục pháp lý, triển khai dự án, tận dụng cơ hội kinh doanh.
“Ở Việt Nam, khó khăn lớn nhất với thị trường bất động sản là chính sách, khung pháp lý. Còn các yếu tố khác như lãi suất dù gặp khó, doanh nghiệp cũng sẽ có thể xử lý được”, ông Khương bình luận.
Thị trường lân cận lên ngôi
Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm, TP.HCM ghi nhận nguồn cung 9.200 căn hộ và giao dịch thành công 8.900 căn, giảm khoảng 60% so với cùng kỳ. Trong khi đó, có 8.300 căn hộ được cung cấp mới tại Bình Dương, tăng 144% với hơn 8.000 căn được hấp thụ, tăng tới 276% so với cùng kỳ.
Nếu như TP.HCM sụt giảm thì các thị trường lân cận trở thành thị trường thay thế và là thị trường mới thu hút các chủ đầu tư thay vì đầu tư vào thành phố HCM thì dịch chuyển sang các thị trường lân cận và Bình Dương là một trong những điển hình. Bên cạnh đó là các vùng khác như Đồng Nai, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu….với những khu đô thị vệ tinh xung quanh TP.HCM.
Như vậy nếu nhìn ở bình diện khu vực thì nguồn cung trên thị trường trong năm qua vẫn rất lớn. Chẳng hạn ở Bình Dương có khoảng 8.900 căn hộ chào bán và hơn 8.000 căn giao dịch thành công.
Đây sẽ là xu hướng không chỉ của năm nay mà còn trong năm 2021 hoặc có thể nhiều hơn.
Với thị trường bất động sản có được ổn định từ kinh tế vĩ mô, có đầu tư nước ngoài, thu nhập người dân tăng nên sức cầu có. Trong 5 năm tới, phát triển hạ tầng nếu làm tốt sẽ là cú hích thúc đẩy phát triển đầu tư công nghiệp, đầu tư du lịch và đô thị hóa mạnh mẽ hơn cho các khu vực như Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Lâm Đồng.
“Đây là bức tranh chúng ta thấy ở BÌnh Dương, Đồng Nai, Long An, Phú Quốc, Lâm Đồng,… Bản thân các chủ đầu tư đã chạy rất nhiều để tìm được quỹ đất phát triển, trong bối cảnh thị trường TP.HCM đang khó khăn, các chủ đầu tư phải tìm cách tồn tại và phát triển. Về tiềm năng phát triển thị trường TP.HCM vẫn có, nhu cầu nhà ở vẫn cao. Khi các yếu tố về pháp lý, sự khó khăn ở thị trường này được tháo gỡ thì các nhà đầu tư sẽ tự động quay lại thị trường. Đây là xu hướng hoàn toàn dễ hiểu, sự dịch chuyển cung cầu, sản phẩm thay thế là quy luật bình thường trên thị trường” Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận tiếp thị dự án nhà ở CBRE.
Cách đây 4-5 năm, thị trường căn hộ Bình Dương gần như không có nhu cầu. Nhưng những năm gần đây, khu vực này lại rất sôi động với nhiều dự án mọc lên. Việc những thị trường như Bình Dương, Đồng Nai phát triển một phần đến từ việc các chủ đầu tư đang gặp khó trong việc phát triển dự án tại TP.HCM do vướng mắc thủ tục pháp lý.
Chuyên gia cho rằng xu hướng dịch chuyển từ TP.HCM sang đô thị vệ tinh của nhiều chủ đầu tư sẽ tiếp tục trong năm 2021 khi vướng mắc về pháp lý chưa thể được giải quyết triệt để.