Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt – công ty thành viên thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh của ông Đỗ Anh Dũng vừa gây “bão” trên thị trường khi trả giá 24.500 tỷ đồng (tương đương 1,1 tỷ USD) cho lô đất mang ký hiệu 3-12 thuộc Khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, TPHCM.
Trong khoảng 100 ngày sau ngày trúng đấu giá 10/12/2021, công ty con của Tân Hoàng Minh sẽ phải hoàn tất nộp số tiền 24.500 tỷ đồng vào ngân sách TP.HCM.
Lô đất tỷ đô
Lô đất mang ký hiệu số 3-12 có diện tích 10.059,7 m2 (hơn 1ha) thuộc Khu chức năng số 3, trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, TPHCM dự kiến sẽ được phát triển thành dự án khu nhà ở hỗn hợp có kết hợp chức năng thương mại – dịch vụ. Đây cũng là lô đất có diện tích lớn nhất trong số 4 lô đất được đấu giá trong phiên đấu giá ngày 10/12 tại Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản.
Với số tiền 24.500 tỷ đồng (tương đương khoảng 1,1 tỷ USD) mà Tập đoàn Tân Hoàng Minh trả để trúng đấu giá, lô đất tại Thủ Thiêm nói trên có giá trị tương đương khoảng 2,43 tỷ đồng/m2. Đây được xem là mức giá kỷ lục trên thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay. Mức giá này không chỉ bỏ xa giá đất những khu vực cao nhất phố cổ Hà Nội mà còn bỏ xa nhiều thành phố lớn trên thế giới.
Dư luận từng đặt dấu hỏi về tiềm lực tài chính của Tân Hoàng Minh khi tập đoàn này không ít lần đã mạnh tay đưa ra mức giá khủng để sở hữu những khu đất có vị trí đắt đỏ nhất Việt Nam.
Trước khi thắng đấu giá lô đất Thủ Thiêm với giá khủng hơn 1 tỷ USD ngày 10/12/2021, vào năm 2016, tập đoàn này từng gây xôn xao dư luận khi trúng đấu giá lô đất 23 Lê Duẩn, quận 1, TP HCM với giá 1.430 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần so với mức giá khởi điểm. Mua được đất vàng nhưng ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh lại hé lộ, cuộc đấu giá thành công là do… lỡ lời.
Tại Hà Nội, Tân Hoàng Minh cũng từng sở hữu khu đất vàng 22-24 Hàng Bài và 25-27 Hai Bà Trưng vào năm 2006. Tuy nhiên, sau nhiều năm vướng giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp đã rút khỏi dự án.
Tập đoàn Tân Hoàng Minh được thành lập năm 1993, hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, các ngành có thế mạnh nhất là sản xuất và xuất khẩu mây tre đan dưới thương hiệu Ratex, vận tải hành khách bằng taxi thương hiệu Taxi V20, kinh doanh khách sạn,…
Năm 2006, khi đang ở đỉnh cao trong lĩnh vực kinh doanh taxi V20, ông Đỗ Anh Dũng bất ngờ chuyển hướng sang đầu tư bất động sản.
Nhiều năm qua, Tập đoàn Tân Hoàng Minh được biết đến là “ông lớn” trong phân khúc bất động sản nhà ở và chung cư hạng sang tại các vị trí đắc địa của Hà Nội và TP.HCM. Từ năm 2019 đến nay, tập đoàn đã có những bước đi rõ nét thể hiện tham vọng trong lĩnh vực Bất động sản nghỉ dưỡng.
Một số dự án lớn của Tập đoàn này tại Hà Nội có thể kể đến như: D’. Palais Louis – Nguyễn Văn Huyên, D’. Le Roi Soleil – Quảng An, D’. Le Pont D’or – Hoàng Cầu, D’. El Dorado – Phú Thanh, Phú Thượng, D’. Capitale – Trần Duy Hưng,…
Tập đoàn Tân Hoàng Minh gần đây còn tiết lộ kế hoạch rót hơn 23.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD), phối hợp với công ty Hoàng Hải Phú Quốc xây dựng siêu quần thể “Thành phố không ngủ” tại Dương Tơ, Phú Quốc.
Không dừng lại ở đó, mới đây, tập đoàn này còn bất ngờ công bố chiến lược xây hàng triệu m2 nhà ở cho công nhân tại các tỉnh thành từ Bắc vào Nam như Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hải Dương, Hoà Bình hay Long An, Bình Thuận…, với giá rẻ hơn từ 40%-60%.
Tân Hoàng Minh lấy tiền đâu để trả tiền mua đất?
Thực tế, tại thời điểm cuối năm 2020, tổng tài sản trên sổ sách của Tân Hoàng Minh là 20.052 tỷ đồng, không đủ 1 tỷ USD. Vốn điều lệ công ty 10.000 tỷ đồng. Với Công ty Ngôi Sao Việt, tổng tài sản là 7.605 tỷ đồng, vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong hệ sinh thái các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh còn có một số doanh nghiệp khác như Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil (chủ đầu tư dự án D’. Le Roi Soleil) có tài sản 6.255 tỷ đồng; Công ty Thời Đại Mới (chủ đầu tư dự án 22 – 24 Hàng Bài nay kết hợp cùng Masterise) có tài sản 1.212 tỷ đồng; Công ty Nam Đại Cồ Việt (chủ đầu đầu tư Dải đất phía Nam đường Đại Cồ Việt) có tại sản 3.096 tỷ đồng, tính tới thời điểm cuối năm 2020.
Năm 2019, ngoại trừ Công ty Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil và Công ty Cổ phần Cung Điện Mùa Đông có lãi với lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt gần 72 tỷ đồng và 77 tỷ đồng, các thành viên còn lại của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đều báo lỗ. Trong đó, Ngôi Sao Việt – công ty thành viên trúng đấu giá lô đất Thủ Thiêm – ghi nhận doanh thu đạt trên 10.000 tỷ đồng nhưng vẫn báo lỗ sau thuế hơn 1.000 tỷ đồng.
Để có nguồn lực lấn sân sang phân khúc Bất động sản nghỉ dưỡng và duy trì mảng kinh doanh bất động sản nhà ở, chung cư hạng sang, các công ty thuộc hệ sinh thái Tân Hoàng Minh đã liên tục thực hiện các đợt phát hành trái phiếu trong thời gian gần đây với mức lãi suất cam kết chi trả cho người mua lên tới 12%/năm.
Theo số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 22/11, đơn vị thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh là Công ty Cổ phần Cung Điện Mùa Đông huy động thành công tổng cộng 450 tỷ đồng thông qua phát hành 2 lô trái phiếu, có kỳ hạn 36 tháng, lãi suất cố định 11,5%/năm.
Trong khi đó, tính đến cuối tháng 11, Công ty Soleil – một công ty thành viên của Tân Hoàng Minh – cũng đã huy động được 1.750 tỷ đồng thông quan phát hành trái phiếu với lãi suất dao động 11,5-11,75%/năm.
Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt – công ty thành viên vừa trúng đấu giá khu đất tại Thủ Thiêm – cũng huy động thành công các lô trái phiếu với tổng giá trị lên đến 2.700 tỷ đồng,
Hiện nay, Tân Hoàng Minh đang rất tích cực quảng bá các chương trình chào bán nhiều gói đầu tư trái phiếu cho các công ty thành viên như Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung Điện Mùa Đông. Các gói đầu tư mà Tân Hoàng Minh đưa ra khá hấp dẫn với nhiều kỳ hạn và các mức lãi suất rất cạnh tranh so với mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng như: trái phiếu kỳ hạn 1 tháng, lãi suất 7%/ năm; kỳ hạn 3 tháng, lãi suất 8,5%/ năm; kỳ hạn 6 tháng lãi suất 9,5%/ năm; kỳ hạn 9 tháng, lãi suất 10,5%/ năm; kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 12%/ năm… Ngân hàng SHB làm đại lý quản lý tài khoản, quản lý tài sản đảm bảo, thanh toán.
Có ý kiến cho rằng, rất có thể Tân Hoàng Minh sẽ sử dụng kênh huy động tiền từ trái phiếu để gom đủ số tiền hơn 1,1 tỷ USD trả tiền mua đất tại Thủ Thiêm.
Đáng chú ý, trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của một doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã gây chú ý trong thời gian gần đây khi tăng mạnh gấp hơn chục lần lần trong vòng 4 tháng. Cụ thể, đó là cổ phiếu TBH của Công ty Cổ phần Tổng Bách Hoá, từ mức giá chào sàn 5.700 đồng đã tăng lên 71.100 đồng kết thúc phiên giao dịch ngày 13/12. Cổ phiếu tăng mạnh đưa giá trị thị trường của doanh nghiệp này lên 6.620 tỷ đồng.
Dù vậy, trong quá khứ, Tân Hoàng Minh từng chậm chạp trong việc thực hiện nghĩa vụ chính khi nộp tiền trúng đấu giá lô đất 23 Lê Duẩn. UBND TP HCM đã phải ra “tối hậu thư” cho Tân Hoàng Minh nếu không nộp hết số tiền trúng đấu giá sẽ hủy kết quả để tổ chức đấu giá lại.
Cuối cùng, Tân Hoàng Minh đã thực hiện nghĩa vụ tài chính khoảng 1.694 tỷ đồng để chính thức sở hữu khu đất 23 Lê Duẩn vào tháng 4/2017. Nhưng điều bất ngờ là khu đất 23 Lê Duẩn hiện nay lại đang là công trình xây dựng dự án Techcombank Sai Gon Tower. Một cách âm thầm, sau khi trúng đấu giá, tập đoàn của ông Đỗ Anh Dũng đã chuyển sở hữu khu đất tại trung tâm TPHCM cho Techcombank?
Theo Cafeland