Nữ doanh nhân Tư Hường với cơ đồ sự nghiệp đồ sộ trong cuộc đời kinh doanh của mình, ngân hàng Nam Á và Tập đoàn Hoàn Cầu là 2 di sản lớn nhất mà bà Tư Hường để lại cho gia đình. Tuy nhiên, sau khi bà Tư Hường qua đời, tranh chấp tài sản giữa những người trong gia đình bà đã xảy ra.
Tập đoàn Hoàn Cầu do bà Tư Hường thành lập vào năm 1993 với vốn điều lệ 193 tỷ đồng. Đến năm 2015, đơn vị này tăng vốn điều lệ lên 1.170 tỷ đồng với gần 40 công ty thành viên tập trung chủ yếu tại Khánh Hòa, TP HCM, Đà Lạt, Đồng Nai…
Lão Bà đi lên từ bất động sản
Năm 1991, bà Tư Hường thành lập công ty TNHH Sơn Hải tại Gia Lai, là một trong những công ty tư nhân đầu tiên hoạt động khai thác, buôn gỗ. Năm 1993, bà Tư Hường thành lập Công ty TNHH Hoàn Cầu với số vốn 193 tỷ đồng và làm chủ tịch, kinh doanh bất động sản, sản xuất vật liệu xây dựng.
Đến năm 2015, tập đoàn Hoàn Cầu của bà đã tăng vốn lên 1.170 tỷ đồng, có 28 công ty thành viên hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau như:
– Khách sạn, du lịch: Sở hữu King Palace Resort, Du Parc Đà Lạt Hotel, Diamond Bay Resort & Spa, Nha Trang Center
– Bất động sản: Hoàn Cầu Điện Biên Phủ, Catavil Hoàn Cầu
– Hạ tầng – Khu công nghiệp: Đường bay Cam Ranh
– Xây dựng – Sản xuất: Đá Granit thương hiệu Hoàn Cầu
– Truyền thông – Y tế – Giáo dục: Trường Đại học Quang Trung Quy Nhơn, Trung tâm y khoa Saint Luke.
Trong lĩnh vực du lịch – khách sạn, dự án nổi bật nhất của Hoàn Cầu là Diamond Bay, tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 4 tỷ USD, bao gồm 15 resorts, hơn 15.000 phòng khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng và 4.000 biệt thự trên biển cùng nhiều hạng mục khác như sân golf, trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học khu vui chơi giải trí… Năm 2008, Tập đoàn Hoàn Cầu gây ấn tượng mạnh khi cùng Ciat và Việt CEO thành lập Công ty Hoàn Vũ tổ chức cuộc thi hoa hậu hoàn vũ 2008 tại Diamond Bay. Chi phí xây dựng công trình khi đó lên tới 45 triệu USD và chi phí tổ chức sự kiện là 20 triệu USD.
Bên cạnh Diamond Bay, Hoàn Cầu còn có Trung tâm thương mại và khách sạn Hoàn Cầu (Nha Trang Center), quy mô vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, diện tích đất 9.246m2, gồm tòa tháp đôi căn hộ – khách sạn cao 19 tầng, bao gồm 140 căn hộ cao cấp, 266 phòng khách sạn với đầy đủ nội thất và tiện nghi.
Tại mảng bất động sản, Hoàn Cầu có khu phức hợp dịch vụ thương mại và căn hộ cao cấp Diamond City, tổng vốn đầu tư dự kiến 15.000 tỷ đồng, diện tích đất 14,3ha tại Quận 7 TPHCM. Tập đoàn Hoàn Cầu sở hữu dự án nổi bật trên thị trường bất động sản, tiêu biểu như: Khu căn hộ Saigon Land (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), Khu căn hộ thương mại Đại Phú (Dĩ An, Bình Dương), Khu căn hộ cao cấp Cantavil Hoàn Cầu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM),…Nhưng tất cả các hạng mục này đều có nguy cơ rơi vào cảnh siết nợ, dễ dàng vào tay chủ mới sau vụ việc thất thoát hàng chục ngàn tỷ đồng gây rúng động trong thời gian qua.
Hoàn Cầu còn có một số mảng kinh doanh khác như Hạ tầng – Khu công nghiệp có đường bay Cam Ranh; Xây dựng – Sản xuất đá Granit thương hiệu Hoàn Cầu; Truyền thông – Y tế – Giáo dục có Trường Đại học Quang Trung Quy Nhơn, Trung tâm y khoa Saint Luke.
Bước chân vào tài chính
Bên cạnh Hoàn Cầu, bà Tư Hường lấn sân vào ngân hàng khi mua cổ phần Ngân hàng Nam Á (NamA Bank) năm 1995. Giờ đây, lãnh đạo chủ chốt của ngân hàng đều là người nhà, người quen của bà Tư Hường. Ông Nguyễn Quốc Mỹ và ông Nguyễn Quốc Toàn, 2 con trai bà Hường đều đang đảm nhiệm chức vụ trong Hội đồng quản trị ngân hàng Nam Á, trong đó ông Toàn là Chủ tịch còn ông Mỹ là Phó chủ tịch thường trực.
Tính đến cuối năm 2018, ngân hàng Nam Á có tổng giá trị tài sản khoảng 75 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 38% so với cuối năm 2017. NamA Bank lãi 743 tỷ đồng trong năm ngoái, tăng trưởng tới 147% và vượt 132% kế hoạch cả năm. Sang năm 2019, Nam Á muốn tăng lợi nhuận lên 800 tỷ đồng và tài sản tăng lên 86 nghìn tỷ đồng.
Năm 2017, bà Tư Hường qua đời cũng là thời điểm tranh chấp tài sản giữa ông Nguyễn Chấn và những người liên quan với ông Nguyễn Quốc Toàn. Ngày 22.6.2019, ông Nguyễn Quốc Toàn từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT NamA Bank để tập trung giải quyết tranh chấp nội bộ gia đình liên quan đơn tố cáo của bố ruột.
không phải đến khi Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự này dư luận mới quan tâm mà sóng gió trong gia đình đại gia Tư Hường đã xảy ra từ khi bà qua đời vào năm 2017. Nhưng gần đây, ông Nguyễn Chấn liên tục gửi đơn khắp nơi tố cáo con trai, thậm chí hồi tháng 3-2019, ông Chấn còn tổ chức gặp gỡ báo chí công bố thông tin tố cáo con trai chiếm giữ ngân hàng.
Lần gần đây nhất, ông Chấn xuất hiện trước công chúng là tại đại hội cổ đông của Eximbank (hôm 21-6) và phát biểu liên quan đến tư cách cổ đông của ông Nguyễn Quốc Toàn tại ngân hàng này. Ông Chấn đề nghị đại hội cổ đông đình chỉ quyền cổ đông, phong tỏa và không cho chuyển nhượng cổ phần của ông Toàn và các bên liên quan tại Eximbank nhằm bảo đảm lợi ích cổ đông của gia đình ông Chấn…
Về phía ngân hàng Nam Á, từ năm 2015 bà Tư Hường chỉ còn sở hữu 0,47% vốn tại ngân hàng và ông Nguyễn Chấn chỉ còn nắm 0,82%. Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Toàn sở hữu 5% và công ty Rồng Thái Bình do ông Toàn làm Chủ tịch nắm 14,26% ngân hàng Nam Á.
Những cú M&A thời mở cửa
Lão bà doanh nhân này rất nổi tiếng trên thị trường với hàng loạt vụ kinh doanh kiếm tiền khổng lồ, điển hình làcác vụ đầu tư xây nhà máy rồi bán như Bia Khánh Hòa (bán cho San Miguel), Nhà máy Sài Gòn Cola (bán cho Coca Cola), Nhà máy nước tăng lực Lipovitan. Mỗi thương vụ bà đều lãi vài triệu đô nhờ nắm bắt được xu thế, thời cuộc.
Những năm 1990, bà Tư nổi tiếng với hai phi vụ thu lời hàng chục triệu USD. Đầu tiên là phi vụ bà đầu tư xây nhà máy bia ở Khánh Hòa với 45% vốn góp và phần còn lại là chính quyền địa phương góp bằng đất đai. Vài năm sau, bà bán lại cho hãng San Miguel với giá 24 triệu USD. Bà từng tiết lộ riêng mình lãi 5 triệu USD từ thương vụ này.
bà xây dựng nhà máy Sài Gòn Cola ở quận Thủ Đức, Tp.HCM sau đó chuyển nhượng lại cho Coca Cola với giá 15 triệu USD. Tùy theo vốn góp, mỗi người con bà Tư Hường lãi 1-2 triệu USD. Sau đó, bằng chiến lược trên, bà thu lời triệu đô bằng cách bán và xây dựng nhà máy nước tăng lực Lipovitan (khoảng 17 triệu USD).
Gia đình bà Tư Hường không còn gì trong Hoàn Cầu
Sau khi bà Tư Hường qua đời, Hoàn Cầu có những biến động lớn cả nhân sự và tỉ lệ sở hữu. Ông Phan Đình Tân trở lại giữ vị trí Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Hoàn Cầu. Khi ông Nguyễn Quốc Cường mất các vị trí này vào tay ông Tân, số cổ phần 2% của ông được sang tên cho bà Nguyễn Thị Thanh Vân.
Đến tháng 11-2017, cơ cấu sở hữu đã có sự thay đổi khi toàn bộ cổ phần thuộc về ông Chấn và con trai ông đột nhiên được chuyển nhượng sang cho một cá nhân là ông Dương Tiến Dũng. Lúc này, Hoàn Cầu chỉ còn 2 thành viên góp vốn là ông Dương Tiến Dũng (98%) và ông Phan Đình Tân (2%). Điều này có nghĩa toàn bộ gia đình bà Tư Hường đã không còn là chủ sở hữu Toàn Cầu.
Nhưng đến tháng 7-2018, phần vốn của ông Dương Tiến Dũng lại được sang tên cho ông Phan Đình Tân, ông Tân trở thành chủ sở hữu lớn nhất tại Hoàn Cầu với tỉ lệ sở hữu 99%. Số còn lại do bà Nguyễn Thị Liệu nắm giữ và sau đó được chuyển sang bà Nguyễn Tôn Nữ Như Hoàng vào tháng 12-2018.
Ông Phan Đình Tân là người gắn bó với bà Tư Hường từ khi thành lập Hoàn Cần lẫn Ngân hàng Nam Á. Ông là người giữ vị trí tổng giám đốc Hoàn Cầu lâu đời nhất và hiện là Phó chủ tịch Ngân hàng Nam Á.
Nhật Hạ