Ảnh minh họa.
Thị trường thanh toán thẻ tại Việt Nam hiện nay có sự tham gia của nhiều tổ chức thẻ quốc tế, trong đó Visa và Master vẫn là hai ”ông lớn” chiếm thị phần lớn về thanh toán trong nước.
Là đối tác của các tổ chức trên, các ngân hàng thương mại hiện phải chịu nhiều loại phí như phí cấp phép, phí thanh toán, phí thương hiệu, phí chi tiêu trong/ngoài Việt Nam, phí dịch vụ cùng nhiều loại phí khác.
Theo phản ánh của các ngân hàng, Visa và MasterCard đang áp dụng cơ chế thu phí phức tạp, thu quá nhiều loại phí đối với một loại giao dịch.
Theo thống kê trung bình, các ngân hàng thương mại đang phải trả cho Visa và MasterCard từ 3-4 loại phí trên mỗi giao dịch. Như vậy, mức thu phí của các tổ chức thẻ quốc tế đối với các giao dịch trong nước đang quá cao so với mức thu phí của các tổ chức chuyển mạch thẻ.
Bên cạnh việc phải trả phí cho các tổ chức quốc tế, các ngân hàng còn phải phải trả phí cho nhà mạng viễn thông ở mức khá cao.
Cụ thể, MobiFone và VinaPhone đang áp dụng mức 820 đồng/1 tin nhắn giao dịch tài chính, 500 đồng/1 tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng. Viettel là 500 đồng/1 tin nhắn (không phân biệt loại tin nhắn) và từ năm 2019, Viettel đã nâng mức giá cước lên 785 đồng đối với tin nhắn giao dịch tài chính. Vietnammobile và Beeline áp dụng 280- 400 đồng/1 tin nhắn giao dịch tài chính, 500 đồng/1 tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng.
Trường hợp sử dụng đầu số thuê bao cung cấp dịch vụ tin nhắn của đơn vị trung gian, các ngân hàng đều chịu phí SMS trực tiếp từ nhà mạng hoặc đối tác của nhà mạng, mức phí SMS Branding khoảng 720 đồng/tin nhắn.
Theo Hiệp hội Ngân hàng, mặc dù hiện nay, ngoài tin nhắn SMS, ngân hàng cũng đang có một số kênh khác để tương tác thông tin tới khách hàng, với chi phí thấp như tin nhắn thông báo trên ứng dụng, tạo ứng dụng tự sinh OTP, nhưng tin nhắn SMS vẫn là phương thức thông báo được đa số các ngân hàng, khách hàng lựa chọn. Đặc biệt là tin nhắn SMS-Brandname với nhận diện riêng của ngân hàng, để tránh kẻ gian giả mạo, lừa đảo khách hàng.
Việc các ngân hàng tiếp tục duy trì, sử dụng tin nhắn SMS cho thấy đây là một nhu cầu thiết yếu để đảm bảo an toàn chứ không nhằm mục đích kinh doanh. Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, các công ty viễn thông thu mức phí cao gấp nhiều lần so với mức thông dụng là không hợp lý.
Theo đó, Hiệp hội Ngân hàng đã có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, xem xét giảm giá cước tin nhắn xuống tương đương với mức thông thường (áp dụng cho dịch vụ nhắn tin giữa các cá nhân đơn lẻ) hoặc ít nhất giảm 50% mức giá cước tin nhắn hiện đang áp dụng với các ngân hàng.
Còn đối với hai tổ chức thẻ quốc tế là Visa và Master, Hiệp hội Ngân hàng đã có văn bản đã đề nghị miễn giảm một số loại phí cho các ngân hàng.
Cụ thể, giảm tối thiểu 50% phí xử lý giao dịch đối với các cả ngân hàng thanh toán và ngân hàng phát hành (bao gồm cả phí xử lý giao dịch thanh toán thẻ trực tuyến qua các cổng thanh toán quốc tế); áp dụng cơ chế thu một loại phí đối với một giao dịch; chỉ thu phí đối với giao dịch thành công, không thu phí đối với giao dịch lỗi. Đồng thời, đề nghị hai tổ chức trên cần rà soát, điều chỉnh chính sách phí dài hạn, nhằm hỗ trợ thị trường thẻ Việt Nam.
LINH LINH
Nguồn: https://bizlive.vn/tai-chinh/den-luot-ngan-hang-de-nghi-duoc-giam-phi-3543290.html