Trong tờ trình Chính phủ hồi đầu tháng 12, UBND TP.HCM đề xuất thí điểm bổ sung chính sách áp thuế khi mua từ hai bất động sản trở lên làm dấy lên lo ngại sẽ trở thành tác dụng ngược…
Việc thí điểm này nhằm tạo cơ sở thực tiễn để xây dựng các chính sách chung, tăng nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách địa phương, hạn chế tình trạng đầu cơ, gây lãng phí nguồn lực. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đề xuất đánh thuế đối với hai bất động sản trở lên có thể không ngăn được tình trạng đầu cơ, mà ngược lại, gây bất lợi cho thị trường.
Nguồn cung nhà ở tại TP.HCM đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Rào cản pháp lý cũng đang cản trở nhiều dự án triển khai, trong khi quỹ đất ngày càng khan hiếm, nhiều dự án chậm tiến độ, chi phí đầu tư tăng, nhà đầu tư đang đổ về các thành phố cấp hai, nơi chưa đề cập đến sắc thuế này để tìm kiếm cơ hội.
Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất thuế cũng sẽ hạn chế nhu cầu mua nhà của các gia đình. Các bậc cha mẹ có thể sẽ chọn thuê nhà, thay vì mua nhà cho con vì họ đã có ngôi nhà đầu tiên và không muốn phải trả thuế cho ngôi nhà thứ hai. Vả lại, không ngoại trừ khả năng lách luật bằng cách chia cho các thành viên trong gia đình sở hữu ngôi nhà thứ hai, thứ ba, mà thực chất là tài sản của bố mẹ. Đây là tình huống mà chính quyền địa phương khó quản lý.
Hơn nữa, theo Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Thành phố sẽ chỉ đánh được loại thuế này nếu thị trường được số hóa và minh bạch hóa các yếu tố như quỹ đất, các loại thuế, các mức thuế và tất cả các yếu tố liên quan.
Tại Singapore: Công dân Singapore khi mua bất động sản đầu tiên không bị tính thuế; đối với bất động sản thứ hai, mức thuế áp dụng bằng 17% giá trị bất động sản. Bất động sản thứ 3 và những bất động sản tiếp theo, mức thuế áp dụng bằng 25% giá trị bất động sản (sau khi đã trừ tất cả các khoản chiết khấu).
Tại Mỹ: Thuế hàng năm 1,2 – 4% giá trị bất động sản, bao gồm cả nhà và đất. Căn nhà duy nhất không tính thuế nếu sinh sống liên tục 2 năm trong 5 năm liên tiếp. Đối với căn nhà thứ hai trở đi, mức thuế áp dụng từ 12 đến 18% (tùy theo từng bang) trên tổng lợi nhuận ròng.
Tại Đức: Thuế đầu cơ (speculation tax) dao động 14 – 45% giá trị bất động sản nếu người mua bất động sản có thời gian sở hữu dưới 10 năm. Đối với những người mua bất động sản sở hữu trên 10 năm và sinh sống liên tục trong 3 năm thì được miễn thuế này. Ngoài ra, còn có thuế thương mại (trade tax), mức thuế suất 3,5% lợi nhuận từ việc bán bất động sản. Thuế này áp dụng đối với cá nhân sở hữu và bán hơn 3 bất động sản trong vòng 5 năm.
Tại Trung Quốc: Với TP. Thượng Hải, thu thuế bất động sản từ chủ nhà sở hữu bất động sản thứ hai với tỷ lệ hàng năm là 0,4% và 0,6% giá bất động sản, tùy thuộc vào quy mô của bất động sản. Trong khi TP. Trùng Khánh áp thuế từ 0,5% đến 1,2% đối với biệt thự và căn hộ cao cấp.
Đánh thuế có thể gây ra suy giảm thanh khoản của thị trường, Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam
Thuế đánh với bất động sản thứ hai có thể gây ra sự suy giảm thanh khoản của thị trường trong ngắn hạn do tình trạng mất cân đối giữa giá mua và giá bán, khi người mua phải cân nhắc phần thuế mới và người bán để đảm bảo lợi nhuận sẽ cộng thêm giá trị của phần thuế này.
Việc đánh thuế bất động sản thứ hai sẽ có ảnh hưởng lớn đến thị trường. Việc tăng giá bất động sản dẫn đến tình trạng đầu cơ, bỏ hoang nhà không sử dụng, do đó, đánh thuế với căn nhà thứ hai sẽ buộc các nhà đầu tư phải có chiến lược sử dụng tài sản một cách hiệu quả trong thời gian nắm giữ tài sản do có tác động áp lực tài chính mới.
Đối với tâm lý đầu tư của người nước ngoài, có thể đây không phải là một quyết định có tác động lớn do họ đã quen với khái niệm thuế bất động sản tại nước họ.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa khẳng định, thí điểm đánh thuế bất động sản thứ 2 trở đi tại TP.HCM giai đoạn này không thể đạt được mục tiêu ngăn chặn đầu cơ mà ngược lại, sẽ gây tác dụng ngược ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường BĐS của trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.
Ông phân tích: Nếu muốn hạn chế đầu cơ thì phải xác định được mức thuế bao nhiêu là hợp lý và chính sách phải được áp dụng trên toàn quốc, không thể chỉ triển khai ở 1 địa phương. Hiện cũng chưa có nghiên cứu nào khẳng định đánh thuế sẽ giảm đầu cơ và tỷ lệ giảm đầu cơ là bao nhiêu.
Trong khi đó, thị trường hiện đang khó khăn, đặc biệt tại 2 đầu thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Nguồn cung tại TP.HCM đang ở mức gần như thấp nhất trên thị trường. Thời gian qua, rất nhiều dự án trên địa bàn thành phố “đứng hình” do vướng mắc pháp lý. Quỹ đất thì ngày càng khan hiếm, thời gian triển khai dự án kéo dài, chi phí đầu tư đội lên cao khiến nhiều nhà đầu tư đã có xu hướng chuyển dịch về các địa phương khác có tiềm năng hơn.
Tổng Hợp
(Tin Nhanh Chứng Khoán, Thanh Niên)