Tâm lý người dân luôn mong muốn sở hữu nhà ở vĩnh viễn, nhưng tòa chung cư nào cũng có thời hạn sử dụng. Hiện nay, Luật Xây dựng quy định, độ bền công trình chung cư thông thường là 50 năm, sau thời gian này phải thực hiện giám định lại, nếu công trình đó chất lượng còn tốt thì được sử dụng thêm tối đa 20 năm.
Kết thúc thời gian sử dụng thêm, công trình sẽ được giám định một lần nữa, nếu chất lượng còn đảm bảo thì tiếp tục được sử dụng và thời gian sử dụng do cơ quan kiểm định quyết định. Trường hợp chất lượng công trình không đảm bảo, phải phá dỡ để xây mới, theo ông Nghĩa, quyền lợi của người dân vẫn phải được bảo vệ.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, khi chung cư hết thời hạn sử dụng mà chất lượng công trình còn tốt thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm gia hạn thời gian sử dụng nhà cho người dân, tùy theo kết quả kiểm định chất lượng tại thời điểm đó. Với các công trình chung cư không đủ an toàn thì phải xây dựng lại và để đảm bảo quyền lợi cư dân, chính quyền địa phương và chủ đầu tư cần có phương án hỗ trợ phù hợp.
Với những khu chung cư đã cấp quyền sử dụng lâu dài cho người dân trước thời điểm quy định mới có hiệu lực, theo ông Đính, cần tôn trọng những gì lịch sử để lại, không được hồi tố.
Trong đề cương sửa đổi Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ 2 phương án. Phương án 1 là cấp sổ hồng cho căn hộ chung cư theo chế độ sử dụng đất quy định tại Luật Đất đai (gồm đất ở lâu dài, đất thương mại dịch vụ có thời hạn sử dụng từ 50-70 năm). Phương án 2 là cấp theo tuổi thọ thiết kế công trình.
Giả sử, nếu chọn phương án 1 thì việc cấp sổ hồng căn hộ chung cư không có gì thay đổi, còn chọn phương án 2 thì sẽ chỉ có thời hạn tối đa từ 50-70 năm, thay vì có thể được sở hữu lâu dài (không thời hạn) như hiện nay.
Sau khi đề xuất trên được công bố rộng rãi, ông Tuân – cư dân một chung cư tại TP. Thủ Đức (TP.HCM) bày tỏ sự băn khoăn khi không biết quyền lợi của những người sở hữu chung cư lâu dài như ông sẽ bị ảnh hưởng ra sao khi quy định thay đổi.
“Để mua được căn hộ hiện tại, vợ chồng tôi phải mất hơn 10 năm tích góp, nhiều năm trả nợ vay ngân hàng, nếu quy định mới thay đổi theo hướng cấp sổ hồng có thời hạn thì sẽ rất thiệt thòi, bởi khi trả nợ xong thì quyền sử dụng căn hộ cũng gần hết, chưa kể nhiều vấn đề pháp lý liên quan khác”, ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay, trên thế giới, nhiều nước đã có quy định về nội dung này. Có quốc gia quy định thời gian sở hữu chung cư 40 năm, có nơi 70 năm, có nước là 100 năm.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư đang có nhiều ý kiến khác nhau. Vấn đề này cũng liên quan đến Luật Đất đai có quy định thời hạn sử dụng đất cho nhà chung cư. Đây là những nội dung còn phải được nghiên cứu thêm.
Hiện đối với những căn nhà sở hữu tư nhân có dấu hiệu xuống cấp, bị nghiêng và có nguy cơ đổ sụp, cơ quan chức năng có thể yêu cầu chủ sở hữu khắc phục.
Tuy nhiên, với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì việc yêu cầu khắc phục sẽ rất phức tạp, khó khăn. Xuất phát từ thực tế đó, Bộ Xây dựng đã đưa ra đề xuất cấp sở hữu cho chung cư có thời hạn nhất định.
Như vậy, quy định thời hạn sở hữu chung cư sẽ cần căn cứ vào nhiều tiêu chí để đảm bảo quyền lợi của người dân theo từng nhu cầu sử dụng gắn với các pháp luật khác về đất đai, nhà ở, xây dựng, thuế…- ông Khởi phân tích.
Tổng Hợp