Tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất hoàn thiện quy định về công nhận quyền đối với hộ gia đình, cá nhân không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất (Điều 137). Có thể thấy đây là nội dung được rất nhiều người dân quan tâm.
Theo đó, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày 1/7/2014 nhưng không có các giấy tờ quy định tại điều 135 của luật này, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, thì nay sẽ được được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp “sổ đỏ” và không phải nộp tiền sử dụng đất.
Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại điều 135 của luật Đất đai (sửa đổi) nhưng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 điều này thì được cấp sổ đỏ nếu có các điều kiện: Thửa đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp không thuộc trường hợp lấn chiếm, tranh chấp đất đai; Thửa đất sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp không thuộc trường hợp lấn chiếm, tranh chấp đất đai phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không được cấp sổ hồng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này thì được Nhà nước ghi nhận là người đang sử dụng đất tại thời điểm đăng ký, được tạm thời quản lý đất cho đến khi Nhà nước có quyết định xử lý theo quy định của Chính phủ…Như vậy, Dự thảo đã loại bỏ trường hợp lấn, chiếm đất và trường hợp này sẽ không được công nhận quyền sử dụng đất.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng quy định này nếu được thông qua sẽ gây xáo trộn cho hoạt động cấp “sổ đỏ” cho người dân. Bởi theo phần giải thích từ ngữ trong Dự thảo luật, “chiếm đất” là trường hợp tự ý sử dụng đất do nhà nước quản lý hoặc đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được cho phép; sử dụng đất được nhà nước giao đất, cho thuê đất đã hết thời hạn mà không được gia hạn và đã có quyết định thu hồi đất nhưng không chấp hành. Trong khi đó, “lấn đất” là hành vi chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cho phép.
Với cách giải thích từ ngữ vừa nêu thì đa số các trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất hiện nay đều là thuộc trường hợp “lấn, chiếm đất” (do hệ quả của quá trình khai hoang, du canh, di cư…). Trường hợp này vẫn có thể được xem xét cấp Giấy chứng nhận theo Luật Đất đai hiện hành nhưng sẽ không được cấp Giấy chứng nhận theo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Bình luận về việc này, độc giả Hoang Em bày tỏ: Ủng hộ Dự thảo bởi không làm dân khổ vì bây giờ chi phí làm thủ tục cao quá, dân không thể gánh nổi. Đồng quan điểm, độc giả Hoàng Khắc Huy cho rằng: Đề xuất rất phù hợp, khi đề xuất có hiệu lực thì đồng nghĩa người dân có quyền lợi công bằng và đời sống người dân sẽ có động lực phát triển rất nhiều.
Chung ý kiến, độc giả Đá Sáng viết: Việc này như một bước đột phá giúp cho người nghèo khó sẽ có cơ hội được tiếp cận cái mình đang sở hữu. Cởi trói luật, Nhà nước không còn đất hoang hoá, tiến tới đồng bộ hoá hình thể, tài sản mọi thứ vào mã định danh cá nhân do nhà nước quản lý chung. Như vậy người nghèo đã có thể làm nhà trên đất của mình mà lâu nay bị cấm…
Nhưng chỉ dành cho vùng đặc biệt khó khăn thì những hộ khó khăn nằm trong khu dân cư nội thành chưa thể tiếp cận luật này. Vì thế vẫn còn nhiều điểm bất cập.
Từ ngày 6/2, cán bộ cấp “sổ đỏ” và một số vị trí công chức ngành tài nguyên môi trường nếu đủ số năm công tác theo quy định thì bắt buộc phải định kỳ chuyển đổi công tác.
Theo Thông tư 21/2022/TT-BTNMT, từ ngày 6/2/2023, cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc từ đủ 2-5 năm phải định kỳ chuyển đổi vị trí công tác.
Các vị trí phải chuyển đổi công tác định kỳ gồm: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất; Cấp giấy phép thăm dò, khảo sát, khai thác khoáng sản;
Cấp, cấp đổi, cấp điều chỉnh, cấp lại giấy phép môi trường về xả nước thải, khí thải, tiếng ồn, độ rung phải xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật, quản lý chất thải rắn theo quy định; thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại;
Cấp giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Xử lý hồ sơ giao, cho thuê, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
iao hạn mức đất; quản lý việc áp dụng bồi thường, xác định người sử dụng đất thuộc đối tượng bồi thường, được hỗ trợ; mức bồi thường, hỗ trợ trong giải phóng mặt bằng; Xử lý vi phạm về môi trường.
Đối với các trường hợp thuộc đối tượng định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Thông tư 59/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định danh mục vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi vị trí công tác trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư 59/2014.
Các trường hợp thuộc đối tượng định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Thông tư 59/2014 chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi vị trí công tác kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
Tổng Hợp
(Tiền Phong)