Chiều 3/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Đây là Hội nghị quan trọng nhận được sự quan tâm của các thành viên thị trường.
Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP-Invest cho hay, các doanh nghiệp bất động sản đều thấy rõ tác động to lớn của các biện pháp đồng bộ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, từ việc giãn nợ trái phiếu, tháo gỡ về thể chế, nguồn vốn, vấn đề định giá đất, quy hoạch…, mà tiêu biểu là nội dung các vấn đề đưa ra trong Nghị quyết 33.
Chính những tác động cụ thể của các chính sách, biện pháp đó, giúp thị trường bất động sản đã bớt ảm đạm hơn, bắt đầu có tín hiệu phục hồi, mặc dù số doanh nghiệp bất động sản phải giải thể, ngừng hoạt động vẫn còn lớn. Bản thân GP-Invest cũng được tháo gỡ khi từ công điện của Thủ tướng đã đẩy nhanh tiến trình gỡ vướng mắc tại dự án Palm Manor ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ trong suốt 10 năm qua.
Tổng thể, theo ông Hiệp, các vấn đề đưa ra trong các quyết sách của Chính phủ đều trúng, đúng, kịp thời, từ thể chế đến giải pháp, tuy nhiên không phải ở cấp thực hiện nào cũng có chuyển biến, nhận thức được vấn đề. Do đó, vẫn cần tiếp tục có sự quyết liệt hơn.
“Đề nghị Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về bất động sản yêu cầu các tỉnh thống kê báo cáo 3 tháng/lần các dự án còn tồn động vướng mắc không giải quyết được thời hạn quá 5 năm và lý do vướng mắc, đề xuất cấp xử lý để các doanh nghiệp có thể thoát được vòng luẩn quẩn chờ đợi”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cơ bản các khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, pháp luật liên quan đến việc đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, đã được tháo gỡ thông qua việc ban hành các Nghị định của Chính phủ và các Thông tư của các bộ.
Do đó, điều quan trọng trong quá trình tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là gỡ được ở cấp các địa phương. Với các vấn đề về thể chế do quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi thì cần đi sâu và sửa cho đúng, trúng. Trong khi những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của địa phương, bộ, ngành thì đề nghị các địa phương, bộ, ngành cần sớm thực hiện.
Đại diện Hiệp hội cho rằng, cần đổi mới nhận thức và tư duy trong việc tổ chức, quản lý để phát triển thị trường đất đai, thị trường bất động sản, cốt lõi là đổi mới nhận thức về nguyên tắc thị trường, đổi mới mạnh mẽ mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường và xã hội trong hoạch định chính sách kinh tế và phương thức trao quyền cho chủ thể sử dụng đất để kinh doanh.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tinh thần là rõ đến đâu xử lý đến đó, khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó, khó khăn ở cấp nào thì cấp đó giải quyết, các chủ thể có liên quan (các cơ quan quản lý, các địa phương, các bộ, các ngành, các doanh nghiệp, khách hàng và người dân có nhu cầu mua bán bất động sản) cùng nhau chung tay giải quyết, đề cao trách nhiệm mỗi chủ thể vì sự phát triển của đất nước, vì lợi ích chung, hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị là Tổ trưởng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh là Tổ phó – đã làm việc trực tiếp với các địa phương: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai và Bình Thuận.
Tổ công tác đã nhận được 112 văn bản (tính đến ngày 01/8/2023) báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân (gồm: 06 văn bản của 05 địa phương; 94 văn bản của 64 doanh nghiệp; 02 văn bản của Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh và 10 văn bản của người dân) liên quan đến 174 dự án bất động sản.
Trong đó, kết quả cho thấy, tại TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án (tương đương 37,2% so với số lượng 180 dự án ban đầu), trong đó có 28 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của Tổ công tác; có 39 dự án qua rà soát của địa phương. Ngoài ra, Tổ công tác nhận được 37 văn bản kiến nghị của doanh nghiệp và người dân và có 37 văn bản gửi UBND TP. Hồ Chí Minh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị giải quyết tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản trên địa bàn theo thẩm quyền và báo cáo kết quả giải quyết về Tổ công tác.
Những động thái quyết tâm gỡ vướng về pháp lý, giảm lãi suất vay, điều tiết thị trường sẽ trở thành động lực để nhiều doanh nghiệp bất động sản chuyển từ thế “phòng thủ” sang tăng cường thăm dò thị hiếu khách hàng, bung hàng trở lại.
Tổng Hợp
(ĐTCK)