Đề xuất áp giá sàn vé máy bay xuất phát từ đề xuất của hãng hàng không Vietnam Airlines áp giá sàn vé máy bay trong thời gian 36 tháng. Đề xuất áp giá sàn vé máy bay của Vietnam Airlines là triệt tiêu cạnh tranh công bằng gây ảnh hưởng các hãng khác.
Nhận định về việc áp giá sàn vé máy bay, các chuyên gia đánh giá, việc áp giá sàn vé máy bay là triệt tiêu tự do cạnh tranh của doanh nghiệp, gây phương hại đến quyền lợi của người tiêu dùng và quay lại thời kỳ bảo hộ.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đã bỏ giá sàn vé máy bay, chỉ một số nước chưa có thị trường cạnh tranh mới áp dụng. Các điều ước quốc tế mà ta đã ký kết cũng đã cho thấy, nếu có sự phân biệt đối xử, ưu ái, bảo hộ doanh nghiệp nhà nước như trước đây sẽ bị kiện, bị phạt. Cùng với đó, Luật Hàng không cấm phân biệt đối xử giữa các hãng hàng không. Luật Giá không đưa vé máy bay vào danh mục hàng hóa dịch vụ do nhà nước quản lý giá (vì thị trường hàng không đã có tính cạnh tranh cao).
Điều 6 khoản 2 và 3 của Luật Cạnh tranh nêu rõ: “Chính sách của nhà nước về cạnh tranh là thúc đẩy cạnh tranh, đảm bảo quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp; tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Theo đề xuất của Vietnam Airlines, giá sàn vé máy bay cao nhất đối với đường bay nội địa là 1,6 triệu đồng/vé (một chiều). Tương tự, vé bay tuyến Hà Nội – TP HCM là 1,4 triệu đồng vé (một chiều). Như vậy giá vé hàng không sẽ tăng rất cao, và không còn vé 0 đồng hoặc mấy chục ngàn đồng như Vietjet và Bamboo hay áp dụng.
Theo Vietnam Airlines, mục đích của việc áp giá sàn là hỗ trợ góp phần giảm bớt khó khăn và giảm nguy cơ phá sản của VNA (lỗ lũy kế của VNA hiện lên tới 17.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 2.750 tỷ đồng). Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, mức giá mà Vietnam Airlines đưa ra là quá cao và không hợp lý khi mức giá tối thiểu bằng với mức giá bình quân dẫn đến hạn chế người dân tiếp cận dịch vụ hàng không.
Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ GTVT dự thảo có nội dung đề nghị áp dụng mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định là 12 tháng, từ 1/11/2021 hết ngày 31/12/2022, đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận và các chuyên gia. Đề xuất áp giá sàn vé máy bay xuất phát từ đề xuất của hãng hàng không Vietnam Airlines áp giá sàn vé máy bay trong thời gian 36 tháng. Vietnam Airlines kiến nghị áp 44% mức giá tối đa trong khung giá quy định.
PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống cho biết, mọi quy định pháp luật, chính sách đều được xây dựng dựa trên tính công bằng, nhằm giúp các hãng hàng không cạnh tranh công bằng để phát triển chứ không phải thao túng chính sách để đè nén hàng không tư nhân. Chúng ta không nên áp giá sàn vé máy bay vì hiện nay, ngành hàng không đang phát triển rất tốt nhờ có sự cạnh tranh, nhờ có vé máy bay giá rẻ mà đã thu hút được nhiều hành khách hơn. Những năm qua, hàng không luôn tăng trưởng nóng từ 2 con số, một phần nhờ vào việc có sự cạnh tranh của tư nhân khi có giá hợp túi tiền của người có thu nhập thấp. Từ đó, đã tạo nên một ngành hàng không phát triển nhanh như vậy.
Dự thảo của Cục Hàng không nêu rõ, Vietnam Airlines đề xuất áp giá sàn vé máy bay bằng chi phí bình quân 1 ghế của Vietnam Airlines như vậy là có lợi cho họ mà thiệt hại cho các hãng hàng không giá rẻ. Làm rõ về đề xuất này, trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Bộ GTVT xác nhận Cục Hàng không đã có báo cáo và đề xuất phương án áp giá sàn vé máy bay. Bộ GTVT cũng chưa đồng ý với phương án này. Theo Bộ GTVT, đây là một vấn đề có tính tác động rất lớn, nên quan điểm của Bộ GTVT là hết sức cẩn trọng, khách quan, có sự tính toán khoa học. Đặc biệt phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những quy định pháp luật liên quan, những tác động đến thị trường và người dân, cũng như quyền lợi của nhà nước và quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp hàng không.
Cương Nguyễn