Theo các chuyên gia, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là một bước đi quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế thị trường hiện đại, toàn diện và hội nhập sâu rộng của Việt Nam.
Hiện thực hoá giấc mơ lớn
Cuối tháng 11/2024, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM và trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng. Theo TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, chủ trương xây dựng trung tâm tài chính quốc tế không phải là một ý tưởng mới, đặc biệt đối với TP. HCM, nhưng trong những năm gần đây, khả năng hiện thực hóa ngày càng trở nên rõ ràng và cấp thiết hơn.
“Việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là một bước đi quan trọng trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại, toàn diện và hội nhập sâu rộng của Việt Nam. Một thị trường tài chính phát triển, đặc biệt khi có một trung tâm tài chính mang tầm quốc tế, sẽ giúp hệ thống tài chính vận hành hiệu quả hơn, hỗ trợ huy động và phân bổ nguồn lực tối ưu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, TS. Võ Trí Thành nhận định.

Hiện nay, trên bản đồ kinh tế thế giới, Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cùng nhiều quốc gia lớn như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Pháp, Malaysia…
Chuyên gia Bùi Kiến Thành nhận định, Việt Nam đã trở thành một phần quan trọng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương – nơi chiếm hơn 60% dân số thế giới và đóng góp trên 50% GDP toàn cầu. Do đó, vị chuyên gia này cho rằng nếu Việt Nam xây dựng thành công trung tâm tài chính quốc tế, nơi này sẽ không chỉ giới hạn phục vụ cho nhu cầu của Việt Nam mà là nhu cầu của cả khu vực, cho thế kỷ này và thế kỷ tới.
Nhiều lợi thế của Việt Nam đã được giới phân tích đề cập trong triển vọng trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Trước hết, xét về địa lý, chỉ mất 2 giờ bay từ Việt Nam để kết nối với các nước Đông Nam Á, 5 giờ bay tới Nhật Bản và Ấn Độ. Lợi thế tiếp theo là múi giờ, khi trên thế giới chưa có trung tâm tài chính hoạt động tại múi giờ của Việt Nam. Điều này tạo ra cơ hội để tổ chức các hoạt động tài chính trong thế giới “đang ngủ”, giúp Việt Nam trở thành một điểm đến lý tưởng cho các giao dịch tài chính xuyên biên giới, tối ưu hóa dòng chảy vốn đầu tư quốc tế.
Với TP. HCM nói riêng, thành phố này từ lâu đã là động lực tăng trưởng của Việt Nam, sở hữu nền tảng vững chắc để phát triển thành một trung tâm tài chính khu vực. Thành phố có hệ thống ngân hàng, thị trường vốn và các tổ chức tài chính sôi động, đồng thời thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài. Đây là những lợi thế quan trọng để TP. HCM bứt phá, phát triển một trung tâm tài chính quốc tế có sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, ngoài những điều kiện sẵn có, TS Võ Trí Thành cho rằng TP. HCM vẫn cần đáp ứng nhiều yêu cầu quan trọng để hình thành một trung tâm tài chính quốc tế đúng nghĩa. Những yếu tố như cơ sở hạ tầng, chất lượng nhân lực, mức độ tự do tài chính, tính chuyển đổi của đồng tiền, cơ chế xử lý tranh chấp, phương thức quản lý và giám sát thị trường đều là những khía cạnh cần được chú trọng.
TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, sự quyết tâm và những đột phá cần thiết về khuôn khổ pháp lý, đặc biệt là việc kết nối quốc tế, thu hút các nhà đầu tư chiến lược sẽ giúp Việt Nam đi nhanh hơn trên lộ trình này. Nếu chờ đến khi tất cả điều kiện hoàn thiện mới bắt đầu triển khai, quá trình này sẽ mất quá nhiều thời gian. Thay vào đó, cần biết cách huy động và kết hợp nguồn lực từ nhiều góc độ để thúc đẩy tiến trình hình thành trung tâm tài chính quốc tế.
Theo vị chuyên gia này, Việt Nam cần kỳ vọng vào thành công của trung tâm tài chính quốc tế và quan trọng hơn là cần có sự quyết tâm và hành động mạnh mẽ. Điều này không có nghĩa là liều lĩnh, mà là dám đi trước, có tính toán, học hỏi từ cả thành công và thất bại của các trung tâm tài chính khác trên thế giới. Nếu có sự chuẩn bị tốt cùng với những bước đi phù hợp, trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một điểm sáng trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Còn theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, nếu Việt Nam có thể tận dụng tối đa lợi thế về vị trí, pháp lý, nguồn vốn và nhân lực, thì giấc mơ về một trung tâm tài chính quốc tế không còn là điều xa vời. Quan trọng nhất là Việt Nam phải có hoài bão lớn, có kế hoạch chi tiết và thực hiện một cách bài bản để biến giấc mơ này thành hiện thực.
Tạo điều kiện cho nguồn vốn dài hạn
Chuyên gia Bùi Kiến Thành nhận định, việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam xây dựng được những tổ chức tài chính có khả năng huy động vốn dài hạn. Đây là một trong những vấn đề mà Việt Nam đang gặp phải, đó là hệ thống tài chính hiện tại chủ yếu dựa vào ngân hàng thương mại, vốn chỉ cung cấp nguồn vốn ngắn hạn.
“Không phải Việt Nam không có hệ thống tài chính có thể huy động vốn dài hạn, tuy nhiên vẫn còn giới hạn”, ông Thành cho biết.
Để phát triển bền vững, việc xây dựng các tổ chức tài chính huy động vốn dài hạn như ngân hàng đầu tư, quỹ đầu tư lớn, bảo hiểm nhân thọ là điều cần làm. Theo đó, các ngân hàng đầu tư sẽ có nhiệm vụ phát hành trái phiếu dài hạn, giúp huy động nguồn vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế. Điều này giúp Việt Nam có đủ nguồn tài chính để thực hiện các dự án phát triển lớn mà không phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay ngân hàng thương mại.
Việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế được kỳ vọng sẽ giúp thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, việc hấp thụ vốn không chỉ dừng ở con số thu hút mà quan trọng là làm thế nào để sử dụng hiệu quả. Chuyên gia Bùi Kiến Thành nhấn mạnh rằng cần đặt ra mục tiêu rõ ràng, như sử dụng nguồn vốn để phát triển các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam, thay vì chỉ dừng lại ở việc nhận vốn mà không có kế hoạch khai thác hợp lý.
“Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều quỹ đầu tư dài hạn, chẳng hạn như quỹ hưu trí và bảo hiểm nhân thọ, sẵn sàng đầu tư vào các dự án khả thi. Việt Nam cần chuẩn bị các dự án được kiểm định kỹ càng, có nghiên cứu khả thi rõ ràng để thu hút nguồn vốn này. Một dự án lớn như xây dựng cảng biển Cần Giờ hoàn toàn có thể được các tập đoàn tài chính như Morgan Stanley huy động vốn”, ông Bùi Kiến Thành cho biết.