Trong khi người dân, doanh nghiệp khát vốn, thì Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện tình hình giải ngân rất khó nên còn gần 900.000 tỷ đồng ngân sách đang được gửi tại ngân hàng.
Trong đó, khoản tiền gửi không kỳ hạn là 600.000 tỷ đồng và có kỳ hạn 290.000 tỷ đồng. Số tiền ngân sách gửi tại ngân hàng trên do nhiều khoản dự toán chi chưa đạt kế hoạch.
Theo dự thảo báo cáo ngân sách năm 2022, dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước năm 2022 ở mức 1,78 triệu tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng số chi ngân sách đạt 60,9% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển, tổng số vốn năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã giao 542,1 nghìn tỷ đồng. Tiến độ giải ngân vốn 9 tháng đầu năm 2022 vẫn chậm so với yêu cầu và cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 46,7% kế hoạch.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã họp với các bộ, địa phương để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề cao hơn nữa trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố; nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022”, Bộ Tài chính cho biết.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, để nền kinh tế phát triển, cần tập trung vào chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Trong bối cảnh hiện nay, huy động vốn trên thị trường trái phiếu, chứng khoán gặp khó khăn, nguồn vốn giải ngân đầu tư công cần được khơi thông để tiếp sức cho nền kinh tế.
“Với những khoản đầu tư công giải ngân chậm cần truy trách nhiệm người đứng đầu đơn vị chậm trễ. Cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của việc tiền đầu tư công ách lại, gây lãng phí. Nguồn vốn đầu tư công vận hành tốt sẽ tạo động lực cho nền kinh tế. Không giải ngân vốn đầu tư công, để ở ngân hàng là có tội, gây lãng phí, gây khó khăn cho nền kinh tế. Người nào không thực hiện được cần nghỉ việc để người khác thực hiện”, ông Hùng kiến nghị.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, nền kinh tế hồi phục, tăng trưởng trở lại, nhu cầu vốn lớn nhưng một nguồn vốn đầu tư công lớn như vậy lại chậm được giải ngân. Vậy cần có giải pháp cho vấn đề này. Cơ quan chức năng nên xem xét bãi bỏ quy định chi tiết không cần thiết. Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT nên có tờ trình Thủ tướng, hoặc Phó Thủ tướng chuyên trách chủ trì, xem xét, quyết định.
Những tháng cuối năm, nhu cầu mở rộng sản xuất rất lớn nhưng doanh nghiệp và người dân khó tiếp cận vốn vay do ngân hàng gần như “cạn room” tín dụng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thị trường bất động sản phát triển an toàn lành mạnh có vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế – xã hội; góp phần phát triển và thay đổi diện mạo đô thị; phát triển nhà ở xã hội; đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên Thống đốc cho rằng, thị trường bất động sản cần huy động nhiều nguồn lực từ các kênh: vốn từ đầu tư trực tiếp, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, ngân sách nhà nước, vốn tự có của doanh nghiệp, người dân…
“Vốn tín dụng chỉ là một trong các kênh vốn để phát triển thị trường bất động sản”, bà Hồng nhấn mạnh.
Tổng Hợp