Thực tế thực hiện nghĩa vụ trả lãi, gốc của các tổ chức phát hành khiến cho chất lượng hàng hóa trên “chợ” trái phiếu khó có thể đảm bảo. Để nối lại sự đứt gãy của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, còn nhiều việc phải làm.
Sau giai đoạn hoảng loạn và bất ổn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bắt đầu từ tháng 10/2022, các thành viên thị trường đã phần nào ổn định tâm lý trở lại, để từ đó định hình rõ hơn về các loại hàng hóa mình đang nắm giữ.
Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SHS kể, nhiều nhà đầu tư đang đầu tư vài chục tỷ đồng vào kênh trái phiếu, trước đây họ không quan tâm xem mình nắm giữ mã nào, của doanh nghiệp nào thì nay đã phải gọi đến cho các nhà chuyên môn để hiểu hơn về kênh đầu tư này cũng như nắm bắt rõ hơn sức khỏe doanh nghiệp, xem loại hàng mình cầm có đáng lo không.
Có lẽ với tâm thế như vậy nên nhiều trái chủ đã không bán trái phiếu trước hạn cho Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc – CTCP (mã chứng khoán KBC) trong đợt mua lại mới đây. Cụ thể, với mã trái phiếu KBC121020, Công ty chỉ mua được 342,72 tỷ đồng trong tổng số 750 tỷ đồng đăng ký chào mua, đạt tỷ lệ 45,7%.
Trước đó, Kinh Bắc chốt danh sách trái chủ mua lại 50% giá trị lô trái phiếu KBC121020, tổng giá trị theo mệnh giá là 1.500 tỷ đồng (trái chủ sở hữu 2 trái phiếu được quyền bán lại 1 trái phiếu). Thời gian thực hiện là ngày 24/5/2023. Lô trái phiếu này được phát hành vào ngày 24/6/2021, đáo hạn ngày 24/6/2023, lãi suất 10,8%/năm, không có tài sản đảm bảo.
Khách hàng không bán trước hạn trái phiếu KBC để hưởng lãi suất cao trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm mạnh, đồng thời họ tin tưởng vào năng lực trả nợ của Công ty nên chờ đến đáo hạn mới nhận tiền về. Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Kinh Bắc cho biết, ông khá bất ngờ về kết quả trên vì cứ ngỡ khách hàng sẽ bán lại hết. Kinh Bắc đã có kế hoạch chi khoản tiền trên nên giờ trái chủ không bán, lại phải trả lãi cũng không phải là điều doanh nghiệp mong muốn.
Hồi quý I/2023, Kinh Bắc tiến hành các thủ tục trả nợ đúng hạn và mua lại trước hạn các trái phiếu riêng lẻ, tổng giá trị 2.400 tỷ đồng. Đến ngày 22/6/2023, Công ty đã tất toán hết 3.900 tỷ đồng nợ trái phiếu.
Những doanh nghiệp có dòng tiền đều đặn, hoạt động sản xuất – kinh doanh tốt vẫn thu hút được nhà đầu tư nếu có kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ. Ông Robert Kim, Tổng giám đốc Quỹ Asam cho biết, năm 2023, Quỹ quan tâm và tiếp tục muốn mua trái phiếu quy mô khoảng 200 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG. Ông tin tưởng vào khả năng trả lãi và gốc của doanh nghiệp này, nên nếu lãi suất phát hành của TNG có thấp hơn thị trường một chút, Quỹ vẫn tham gia đầu tư.
Asam từng rót 200 tỷ đồng vào trái phiếu chuyển đổi của TNG năm 2018, giá chuyển đổi sang cổ phiếu khoảng 13.000 đồng/cổ phiếu vào thời điểm trái phiếu đáo hạn. Với thương vụ này, Asam đã thắng lớn khi giá cổ phiếu TNG tăng mạnh vào thời điểm trái phiếu được chuyển đổi sang cổ phiếu. Có lô cổ phiếu sau khi chuyển đổi được Quỹ bán ra với giá cao hơn 2,5 lần.
Trong đợt phát hành trái phiếu sau đó của TNG, Asam rót hơn 100 tỷ đồng và nay tiếp tục quan tâm tới đợt phát hành trái phiếu tiếp theo của TNG. Thu nhập cố định từ trái phiếu là một trong những kênh đầu tư được Quỹ quan tâm ở thời kỳ thị trường có nhiều biến động như hiện tại. Những trường hợp trên là tín hiệu tích cực với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, phần nào củng cố tâm lý cho các nhà đầu tư tham gia thị trường tiếp tục bỏ vốn vào những doanh nghiệp tốt.
Dù vậy, gam màu tối trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp có vẻ chiếm tỷ lệ lớn hơn khiến cho thị trường này thực sự vẫn là “cục máu đông” của nền kinh tế. Tổng giám đốc một quỹ đầu tư thuộc tập đoàn bảo hiểm lớn chuyên đầu tư trái phiếu nhận xét: “Thị trường cổ phiếu có vẻ ổn hơn nhưng trái phiếu vẫn tệ”. “Tệ” ở đây được hiểu là, những câu chuyện đứt gãy vẫn nối dài, khiến niềm tin của nhà đầu tư, cả tổ chức và cá nhân, tiếp tục suy giảm.
Theo dõi kênh công bố thông tin Cbon của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), có thể thấy nhan nhản các công bố thông tin bất thường về tình trạng không trả được lãi và gốc trái phiếu đến hạn. Các lô trái phiếu của Novaland đến hạn hay chưa đến hạn, tổ chức phát hành đều đưa ra đề nghị trả 20% lãi cho mỗi kỳ đến hạn thanh toán, lãi còn lại cộng gốc doanh nghiệp xin khất.
Phương án trên rủi ro cho các trái chủ nhưng tổ chức phát hành lực bất tòng tâm, nên mọi việc vẫn “vướng như gà mắc tóc”.
Tổng Hợp
(ĐTCK)