Đó là kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoRea) trong công văn mới nhất gởi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.
Thêm kênh huy động vốn cho bất động sản
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoRea phân tích, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã bổ sung được nguồn vốn đầu tư quan trọng của xã hội thay thế một phần nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Hiện nay, đang trong quá trình thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, nên các doanh nghiệp bất động sản phải tìm kiếm các nguồn vốn thay thế, trong đó, có kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Vì thế, dù thấy rất cần thiết sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện Nghị định 163/2018/NĐ-CP để tạo hành lang pháp lý phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, lành mạnh, vừa trở thành một trong những nguồn cung ứng vốn đầu tư trung hạn, dài hạn cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư trái phiếu.
Tuy nhiên, ông Châu khẳng định, cộng hưởng với những khó khăn mới phát sinh do đại dịch CoVID-19 hiện nay, không nên siết hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, để tạo thêm kênh huy động vốn đầu tư xã hội cho lĩnh vực bất động sản.
HoRea dẫn chứng, năm 2019, hoạt động trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đạt 106.500 tỉ đồng, chiếm khoảng 38%. Trong đó 84,2% doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tổng giá trị dưới 03 lần vốn chủ sở hữu, lãi suất bình quân 10,3% (tương đương lãi suất ngân hàng), đảm bảo được yếu tố an toàn và hợp lý.
Quý 1/2020, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp cả nước có giá trị lên đến 37.308 tỷ đồng. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành nhiều nhất, đạt 20.474 tỷ đồng, chiếm 55%, lãi suất bình quân 10,8%/năm, giảm hơn so với năm 2019 nhưng vẫn khá cao so với lãi suất trong hệ thống ngân hàng.
Áp trần lãi suất trái phiếu
Thực tế, tình trạng ồ ạt phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản bắt nguồn từ việc chính sách siết chặt tín dụng với lĩnh vực này. Cụ thể, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm 2019, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ mức 45% xuống còn 40% và sẽ tiếp tục giảm dần xuống mức 30% trong những năm tới nên các DN phải tìm kênh để bổ sung nguồn vốn triển khai dự án.
Đáng nói, để huy động vốn, một số DN đã đẩy lãi suất trái phiếu cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 lãi suất ngân hàng, từ 14%- 20%/năm. Đó là trường hợp Công ty Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng thông báo hoàn tất phát hành số trái phiếu trị giá hơn 1.403 tỉ đồng, kỳ hạn và bên mua là nhà đầu tư nước ngoài với mức lãi suất “khủng” lên 20%/năm cuối năm 2019. Hay Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) công bố phát hành trái phiếu 4 đợt với lãi suất cao nhất lên đến 14,45%/năm. PDR là trái phiếu không chuyển đổi, có bảo đảm bằng tài sản và không kèm chứng quyền….
Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2019, có 28/177 doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu vượt quá 03 lần vốn chủ sở hữu (chiếm 27,8% tổng khối lượng phát hành).
Đặc biệt, trong số vượt quá trên có 11 doanh nghiệp khối lượng phát hành vượt tới 50 lần vốn chủ sở hữu, 6 doanh nghiệp khối lượng phát hành vượt tới 100 lần vốn chủ sở hữu. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp không làm rõ mục đích sử dụng vốn và phương án bố trí nguồn thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Trước tình trạng này, Bộ Tài chính đã khuyến nghị nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao. Do đặc thù trái phiếu doanh nghiệp là công cụ nợ do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Trong khi đó, khả năng trả nợ của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào tình hình tài chính và kết quả kinh doanh nên nhà đầu tư cần phải cân nhắc, đánh giá được rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu.
Mới nhất, dự thảo Nghị định 163 của Bộ Tài chính bổ sung điều kiện về giới hạn khối lượng phát hành trái phiếu theo hướng doanh nghiệp phát hành phải đảm bảo dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ không vượt quá 03 lần vốn chủ sở hữu tại báo cáo tài chính quý gần nhất được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trường hợp doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu vượt quá 03 lần vốn chủ sở hữu thì lựa chọn kênh phát hành ra công chúng với tiêu chuẩn, điều kiện cao hơn và công khai, minh bạch hơn. Đặc biệt, dự thảo mới cũng sẽ áp trần lãi suất trái phiếu doanh nghiệp không quá 20% (theo luật dân sự) để bảo vệ nhà đầu tư và thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh trong thời gian tới.
Mai Ka
Theo Thanh Niên