Mặc dù thị trường bất động sản đã xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực, báo hiệu chuẩn bị bước vào giai đoạn hồi phục. Song, trên thị trường vẫn có những trường hợp gặp áp lực tài chính cần sang nhượng gấp. Do đó, họ chấp nhận bán thấp hơn thị trường để tìm khách chịu chi chấp nhận xuống tiền nhanh.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty đầu tư Bất Động Sản Việt An Hòa cho rằng: “Đây là thời điểm xác định đáy của bất động sản, là thị trường của người mua. Người mua tìm kiếm được bất động sản giá tốt, yêu thích thì nên xuống tiền”.
Ông Trần Quang Trung, Giám đốc Kinh doanh OneHousing nhận định: “Có rất nhiều người giai đoạn hiện nay đang mang tâm lý chờ đợi cơ hội, tuy nhiên nhiều khi chờ đợi có thể sẽ đánh mất cơ hội”.
Ông Trung cho rằng, hiện tại bất động sản vẫn là kênh có thể neo đậu dòng tiền, đảm bảo an toàn vốn và đặt vấn đề thanh khoản lên trên hết.
“Các sản phẩm bất động sản hiện đang có giá rất tốt. Tuy nhiên, người dân có dám mạnh dạn để đón lấy các cơ hội này không. Trong hoạt động đầu tư, quan trọng nhất là cần sớm nhìn ra cơ hội và dự đoán được tiềm năng của cơ hội đó. Đến khi thị trường đã có tín hiệu rõ ràng thì đó là tín hiệu cho số đông. Căn cứ vào dòng tiền, khả năng tài chính của mỗi nhà đầu tư để quyết định. Cá nhân tôi nghĩ, không phải lúc nào cũng có cơ hội tuyệt vời như thế này”, vị này nói.
Chị Hoàng Thị Linh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, mới đây vợ chồng chị chốt trượt một căn liền kề tại một khu đô thị có tiếng trên địa bàn Hoài Đức (Hà Nội). Theo chị, căn liền kề có diện tích 120m2, do chủ cần bán gấp nên rao với giá 21,5 tỷ đồng.
“Căn nhà hiện đang được cho thuê với giá 32 triệu đồng/tháng. Chủ và môi giới đều chia sẻ do cần tiền nên bán gấp, muốn giao dịch nhanh nên mới có mức giá mềm hơn thị trường gần 1 tỷ đồng. Theo đó, người mua cần đặt cọc 1 tỷ đồng và giao dịch nhanh chóng trong vòng 10 ngày”, chị Linh nói.
Chị Linh cũng cho biết, ngay khi chủ nhà đưa thông tin rao bán ra thị trường cũng có khá nhiều người quan tâm. Thời điểm chị tới xem căn nhà cũng có 3 người mua khác ở đó.
“Tôi cũng đã nhờ các môi giới khác định giá, đồng thời tự kiểm chứng giá bán các căn xung quanh. Quả thật, chủ nhà đang rao rẻ hơn thị trường khoảng 800 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ 1 ngày sau tôi quyết định xuống tiền cọc thì môi giới báo căn liền kề đã được bán cho người khác. Tôi cũng tiếc vì rất ưng căn nhà và có mức giá mềm hơn”, nhà đầu tư chia sẻ.
Chính vì nhóm người bán cần thoát hàng do khó khăn tài chính không cao, nên 80% trong đó cho biết họ vẫn nuôi kỳ vọng sẽ bán ra BĐS với mức có lời, lợi nhuận dao động trên dưới 10%. Cụ thể, 42% muốn bán BĐS với mức lợi nhuận cao hơn giá mua vào ít nhất 10%; 38% nhà đầu tư chấp nhận bán ra với lợi nhuận chênh lệch từ 2 đến dưới 10%. Khoảng 16% chấp nhận giảm giá từ 5-20% để thoát hàng. Tỷ lệ nhà đầu tư chấp nhận mức giảm giá trên 20% chỉ rơi vào khoảng 3%.
Cũng trong câu hỏi “Liệu có giảm giá BĐS sâu hơn nữa, nếu không bán được với giá hiện tại?”, 44% người bán chọn ngưng giao dịch, không để BĐS giảm giá sâu hơn mà chuyển tài sản sang cho thuê kiếm dòng tiền. Khoảng 30% nhóm nhà đầu tư có thu nhập dưới 40 triệu đồng/tháng chấp nhận bán BĐS giảm giá nếu người mua thiện chí thanh toán nhanh; 21% nhóm này chọn sẽ đi vay thêm tài chính từ các nguồn bên ngoài để gắng gượng chờ thị trường tốt lên; và 3% chọn từ bỏ BĐS nếu không thể gồng thêm được nữa.
Tổng Hợp