Hiện Việt Nam vẫn đứng trước bối cảnh thế giới nhiều biến động hết sức khó lường, dự báo lạm phát của thế giới có xu hướng giảm nhưng “chưa biết thực sự hết chưa”. Để dòng tiền không chảy vào đúng chỗ, chỉ làm hao hụt nguồn lực tài chính.
Đặc biệt gần đây, một loạt ngân hàng rơi vào tình trạng khủng hoảng, thậm chí có ngân hàng phá sản, phải bán lại. Đó là một lo ngại ảnh hưởng tới hệ thống tài chính. Nếu sự kiện này xảy ra, tạo ra sự lan tỏa của hệ thống thì nguy cơ cảnh báo về suy thoái kinh tế thế giới, thậm chí rơi vào khủng hoảng, không phải là không có cơ sở. Hơn nữa, bối cảnh về khủng hoảng địa chính trị cũng chưa nhìn rõ hồi kết, tạo ra đứt gãy, xung đột về mặt kinh tế thế giới. Bối cảnh thế giới là hết sức bất định và có nhiều rủi ro. Vậy chính sách trong nước làm sao ứng phó?
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tiên phong điều hành để giảm lãi suất sớm giúp nguồn lực cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Cường lưu ý cần hết sức thận trọng vì nếu bối cảnh thế giới diễn ra xấu, chúng ta cũng cần có năng lực để đối phó. Vừa qua có sự cố ngân hàng SCB nhưng chúng ta đã xử lý rất kịp thời. Chúng ta phải luôn luôn trong tình trạng đó.
“Tôi cho rằng vẫn phải tiếp tục sử dụng cơ chế tiền tệ linh hoạt nhưng phải thận trọng và phải kiểm soát được dòng tiền. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp khó khăn, có nhu cầu nhưng chúng ta không kiểm soát được dòng tiền, để dòng tiền không chảy vào đúng chỗ đang cần sản xuất kinh doanh tạo ra của cải đưa ra thị trường, thanh khoản ngay, mà rơi vào khu vực đang đóng băng, đang thiếu tiền, nợ đọng thì gần như là ném tiền vào hố đen, đem muối bỏ biển, có khi chỉ làm hao hụt nguồn lực của tài chính”, ông Cường nói.
Ông Cường đánh giá, Chính phủ đã thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ rất tốt, như quyết định ngay việc giãn, hoãn các khoản đóng góp, tiền thuế, tiền thuê… và vừa qua đã đề xuất Quốc hội giảm tiếp thuế VAT 2%.
“Tôi nghĩ rằng đây là những biện pháp rất kịp thời. Thậm chí, VAT hiện nay đang đề xuất giảm tiếp đến hết 31/12. Đúng 31/12 là thời điểm chúng ta phải thực hiện chốt về cân đối ngân sách, nhưng theo chính sách tôi cho rằng nên mở. Đến 31/12, nếu diễn biến có phức tạp, còn khó khăn, Chính phủ tiếp tục đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thì chúng ta kéo dài được ngay, không cần chờ tới kỳ họp tháng 5”, vị Giáo sư này đề xuất.
Ông Cường cho rằng phải chủ động các chính sách hỗ trợ, thậm chí một số chính sách về tài khóa hỗ trợ mạnh hơn nữa. Hiện ngân hàng điều hành giảm lãi suất bằng các công cụ điều hành về tiền tệ nhưng việc dùng tài khóa phối hợp với tiền tệ bằng việc hỗ trợ lãi suất hết sức hiệu quả. Nếu chúng ta tăng được phần hỗ trợ lãi suất cũng sẽ hướng đúng dòng vốn vào những đối tượng đang cần hỗ trợ, như vậy sẽ tăng được cơ hội cho rất nhiều doanh nghiệp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay cũng đang gặp khó khăn, có thể một mặt điều hành chính sách tỉ giá, nhưng ngay cả thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhóm này, hoặc có xu thế các doanh nghiệp sa thải người lao động bởi ít đơn hàng, chi phí cho người lao động cao, chúng ta phải tính tới các chính sách hỗ trợ xã hội hay chính sách giãn hoãn nghĩa vụ đóng góp BHXH để giảm gánh nặng. Về mặt tài khóa tôi cho rằng cũng là yếu tố rất quan trọng.
Cùng bàn luận về vấn đề này, PGS.TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu cho biết, IMF dự báo Việt Nam năm nay tăng trưởng 5,8%, nhưng dự đoán năm sau khá cao. Họ vẫn kỳ vọng cao vào tương lai của Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn háo hức muốn vào Việt Nam, kỳ vọng Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị mới.
“Điều tôi muốn nhấn mạnh là, khó khăn rõ ràng tạo ra tâm lý ức chế cho doanh nghiệp. Nhìn vào sự thật, không phải do điều hành của Chính phủ, mà là mô hình kinh tế bắt đầu bộc lộ áp lực lớn phải đổi thay”, PGS.TS Vũ Minh Khương nói.
Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, hiện nhiều doanh nghiệp khó khăn, có nhu cầu nhưng không kiểm soát được dòng tiền. Do đó, để dòng tiền không chảy vào đúng chỗ, mà rơi vào khu vực đang đóng băng, nợ đọng thì gần như “ném tiền vào hố đen”.
Tổng Hợp
(Dân Việt)