Cạn vốn, nhiều doanh nghiệp vay mượn tài sản của lãnh đạo. Như Tổng công ty 36 thường xuyên phải sử dụng cổ phiếu của Chủ tịch để đảm bảo cho khoản vay ngân hàng.
Mới đây, Hội đồng quản trị Tổng công ty 36 (mã G36) đã công bố Nghị quyết về việc sử dụng 5 triệu cổ phiếu G36 thuộc sở hữu của ông Nguyễn Đăng Giáp, Chủ tịch Hội đồng quản trị làm tài sản đảm bảo cho nghĩa vụ vay vốn của Tổng công ty tại BIDV Chi nhánh Hoàn Kiếm. Với mức giá đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua ở mức 7.600 đồng/cổ phiếu, giá trị của tài sản đảm bảo này ước đạt trên 37 tỷ đồng.
Đây không phải lần đầu ông Giáp thế chấp cổ phiếu để đảm bảo cho các khoản vay của Tổng công ty 36. Trước đó, ông này đã dùng hơn 12,5 triệu cổ phiếu G36 đang sở hữu làm tài sản đảm bảo cho khoản vay tại BIDV Chi nhánh Hoàn Kiếm, hợp đồng tín dụng ngày 3/8/2022.
Báo cáo tài chính bán niên của Tổng công ty cho biết, tại ngày 30/6/2023, tổng nợ phải trả là 3.340 tỷ đồng, chiếm 75,3% tổng tài sản. Trong đó, nợ ngắn hạn là hơn 2.186 tỷ đồng, chiếm 65,4% tổng dư nợ. Công ty đang có khoản phải trả người bán ngắn hạn hơn 730,7 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính là 1.113,5 tỷ đồng, chiếm 33% tổng nợ phải trả, vay và nợ dài hạn đến ngày đáo hạn là 144,5 tỷ đồng.
Không riêng Tổng công ty 36, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang “huy động” tài sản cá nhân của lãnh đạo chủ chốt làm tài sản đảm bảo cho khoản vay. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) đang sử dụng cổ phiếu của gia đình Chủ tịch Lê Viết Hải làm tài sản đảm bảo cho các gói trái phiếu phát hành theo Nghị quyết số 33/2021/NQ-HĐQT.HBC ngày 28/12/2021 và Nghị quyết 06/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 26/1/2022.
Ngoài ra, từ năm 1993, gia đình ông Hải cho HBC và các công ty mượn khu đất hơn 7.000 m2 ở đường Phan Văn Hớn, quận 12, TP.HCM làm nhà kho, văn phòng.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, diễn ra hồi cuối tháng 6, ông Lê Viết Hải chia sẻ, ông đã làm tất cả những gì có thể để giúp Hòa Bình vượt qua khó khăn trong mấy năm qua.
Dùng tài sản cá nhân của chủ tịch để “cứu” công ty cũng là câu chuyện diễn ra tại Công ty cổ phần Bất động sản Phát Đạt (mã PDR). Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2023 của Bất động sản Phát Đạt, Chủ tịch Nguyễn Phát Đạt trải lòng: “Tài sản gia đình, tài sản cá nhân tôi cũng bán, hoặc thế chấp để có tiền giúp Công ty vượt qua khó khăn. Thậm chí, một tài sản trị giá 3.000 tỷ đồng chấp nhận bán 2.000 tỷ đồng để có tiền cho Phát Đạt hoạt động”.
Xoay xở dòng tiền là bài toán đau đầu của cộng đồng doanh nghiệp từ hơn một năm trở lại đây, đặc biệt là với các doanh nghiệp bất động sản, khi các kênh huy động vốn đồng loạt tắc nghẽn.
Sau một số vụ việc sai phạm liên quan đến huy động trái phiếu doanh nghiệp, niềm tin trên thị trường này đổ vỡ, các doanh nghiệp không chỉ không huy động được dòng vốn mới qua kênh này mà còn chịu áp lực phải thanh toán trước hạn cho nhà đầu tư. Trong khi đó, doanh nghiệp rất khó tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng. Thị trường bất động sản trầm lắng cũng khiến nhiều doanh nghiệp không bán được hàng, không huy động được vốn từ người mua.
Từ đầu năm đến nay, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là với khối doanh nghiệp bất động sản, với việc ban hành Nghị định 08/2023 sửa đổi quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với việc mở đường cho doanh nghiệp cơ cấu lại thời hạn trả nợ và hoán đổi nợ bằng tài sản và đưa mặt bằng lãi suất ngân hàng đi xuống mạnh.
Tuy vậy, thực tế cho thấy, lãi suất không phải là rào cản chính khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro nên ngân hàng rất thận trọng cho vay, dù thanh khoản hệ thống đang dư thừa.
Trong khi đó, ở phía đi vay, nhiều doanh nghiệp không có đủ tài sản đảm bảo, không đáp ứng được các tiêu chí khắt khe từ phía ngân hàng. Trong hoàn cảnh đó, việc sử dụng tài sản cá nhân của lãnh đạo doanh nghiệp làm tài sản đảm bảo cho khoản vay qua kênh ngân hàng, trái phiếu được nhiều doanh nghiệp phải tính tới.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư)