Tại nhiều cuộc họp góp ý chính sách gần đây, các chuyên gia đã lên tiếng phản đối quan điểm xây dựng chính sách theo hướng “dễ cho quản lý, đẩy khó cho người dân, doanh nghiệp” khiến tuổi thọ các sắc luật chỉ trên dưới 10 năm, tuổi thọ các nghị định được vài năm, còn thông tư thì thậm chí chưa có hiệu lực đã phải điều chỉnh lại cho phù hợp thực tiễn thị trường.
Nỗi lo lớn nhất như TS. Trần Xuân Lượng đến từ Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ là nếu vẫn giữ tư duy xây dựng pháp luật theo hướng này, chỉ cần một văn bản của cơ quan nào đó theo tư duy “dễ quản, khó thực thi” được ban hành sẽ tạo “tiền lệ” để các cơ quan tương đương và đơn vị cấp dưới ban hành các văn bản tương tự và áp dụng theo.
Ông Lượng lấy ví dụ về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 44/2014/NĐ-CP khi đưa ra đã ngay lập tức nhận được sự phản ứng trái chiều của thị trường khi loại bỏ “phương pháp thặng dư” và “phương pháp chiết trừ” rồi sau đó lại phải đưa “phương pháp thặng dư” quay trở lại, nhưng lại thu hẹp điều kiện đến mức khó có thể thực thi, nên các thành viên thị trường tiếp tục phản ứng.
Có thể thấy, cùng với những khó khăn khách quan từ những đứt gãy giao thương trên thế giới, những quy định chồng chéo, thậm chí xung đột đang là gánh nặng lớn với doanh nghiệp ở cả góc độ chi phí tuân thủ cao, rủi ro lớn. Một dự án phải tuân thủ nhiều quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, chỉ cần một vài vướng mắc, do cách hiểu, cách vận dụng quy định không thống nhất, cũng sẽ khiến dự án có nguy cơ bị đình trệ vô thời hạn.
Trở lại với câu chuyện của Thông tư 06, kết luận tại cuộc họp cuối tuần vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước có hai chức năng rất quan trọng. Một là điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế. Hai là, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Đây là việc rất khó, đòi hỏi phải có sự kết hợp các giải pháp hài hòa, linh hoạt, hiệu quả. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước đang gặp khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, luôn lắng nghe phản ánh từ thực tế để kịp thời có những chỉ đạo nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp ổn định và phát triển bền vững, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.
Vì thế, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước căn cứ quy định của pháp luật, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao cũng như tình hình thực tế… nghiên cứu kỹ lưỡng những kiến nghị, đề xuất xác đáng của doanh nghiệp, làm rõ bản chất vấn đề để có giải pháp điều chỉnh phù hợp, đúng pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Nhu cầu vốn sụt giảm khi doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng từ nay tới cuối năm, cần nhiều hơn những giải pháp gỡ khó và giảm lãi suất.
Để tránh bị ế vốn, huy động vào mà không cho vay được, các ngân hàng cũng đang liên tục đưa ra nhiều gói vay ưu đãi. Tuy nhiên, việc cho vay cũng không dễ, khi kinh tế khó khăn khiến sức khỏe của doanh nghiệp suy giảm, khó đáp ứng các tiêu chuẩn cho vay.
Nhiều doanh nghiệp cũng đề xuất, bên cạnh giảm lãi suất cho doanh nghiệp cũng nên đẩy mạnh các chương trình cho vay tiêu dùng, người lao động. Bởi chính việc kích cầu tiêu dùng, người dân tăng chi tiêu sẽ giúp doanh nghiệp bán được hàng, từ đó có nhu cầu vay vốn thêm cho sản xuất kinh doanh.
Tổng Hợp
(ĐTCK, VTV)