BRG Group là công ty đầu tư đa lĩnh vực, chủ yếu hoạt động tại các mảng tài chính như: Sân golf, tài chính ngân hàng, bất động sản và bán lẻ. BRG Group do bà Nguyễn Thị Nga làm chủ tịch những năm gần đây nỗi lên với loạt công ty con, mua cổ phần công ty nhà nước, góp vốn… những “nước cờ” như vậy nhìn đơn giản để tăng giá trị tập đoàn hay thâu tóm “đất vàng” công ty con.
BRG là từ viết tắt của Bank – Real Estate – Golf, ý nghĩa của nó thể hiện tập đoàn BRG ngay từ đầu đã khát vọng chinh phục 3 lĩnh vực chính là Ngân hàng (Bank), Bất động sản (Real Estate) và Gôn (Golf). Đưa tập đoàn vang danh trên thế giới và chiếm lĩnh vị trí Top đầu tại Việt Nam về 3 lĩnh vực chủ đạo này.
Về lĩnh vực tài chính ngân hàng, tập đoàn BRG Group không phải là gương mặt xa lạ. Khi chủ đầu tư này đã trở thành cổ đông chính thức của ngân hàng Techcombank vào năm 2000. Đến năm 2007, bà Nguyễn Thị Nga đã trở thành lãnh đạo cao nhất tại ngân hàng Đông Nam Á (Hay còn gọi là Seabank). Ở thời điểm hiện tại, ngân hàng Seabank có vốn điều lệ lên tới 5.446 tỷ đồng. Tổng tài sản của ngân hàng Seabank gần 100.000 tỷ đồng.
BRG Group còn lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ và khách sạn. Đang sở hữu rất nhiều bất động sản lớn có giá trị cao tại những khu “đất vàng” Hà Nội. Khối tài sản của BRG đang lớn mạnh, đồng nghĩa tài sản của bà Nga vì thế cũng “phình to” nhờ những vụ thâu tóm gần đây.
Những cuộc đi “săn” để có đất vàng
Đầu tiên phải nhắc đến Intimex, Doanh nghiệp này từng chịu trách nhiệm kinh doanh xuất nhập khẩu dưới hình thức trao đổi hàng hóa nội thương và hợp tác xã với khối xã hội chủ nghĩa và một số quốc gia khác. Năm 2009, Intimex được cổ phần hóa và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vốn nhà nước.
Cuối năm 2015, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã bán 34,3% cổ phần tại công ty này cho Công ty TNHH Thung Lũng Vua. Intimex cũng từ đó về tay BRG Group.
Intimex hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu, kinh doanh siêu thị, tuy nhiên doanh nghiệp này được đánh giá cao hơn cả với quỹ đất vàng tại Hà Nội. Ngoài khu đất hơn 2.871m2 tại số 22-23 Lê Thái Tổ cạnh hồ Hoàn Kiếm, công ty còn sở hữu khu đất tại 142 Lê Duẩn, hiện là siêu thị Intimex với diện tích hơn 1.000 m2, và còn nhiều siêu thị đặt tại các khu đất vàng khác như Yên Phụ, Hào Nam, Huỳnh Thúc Kháng… Ngoài khai thác quỹ đất bằng hoạt động kinh doanh, Intimex còn cho thuê và hợp tác kinh doanh bất động sản với các đối tác khác, điển hình như dự án Khu đô thị hợp tác với công ty Hoàng Huy Hoàng tại Long Khánh hay Khách sạn 6 sao hợp tác với Tập đoàn Four Season tại 22-32 Lý Thái Tổ.
Tiếp đó là Hapro, Hapro có hơn 50 công ty con, công ty liên kết, nhưng có 9 công ty hợp nhất báo cáo tài chính gồm: Công ty mẹ Tổng Công ty Hapro; CTCP Thực phẩm Hà Nội; CTCP Thương mại & Dịch vụ Tràng Thi; CTCP Thủy Tạ (kem Thủy Tạ); CTCP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Chợ Bưởi; CTCP Xuất nhập khẩu Thủ công mỹ nghệ và Du lịch thương nhân Hapro; CTCP Sự kiện và ẩm thực Hapro; CTCP Rượu Hapro; CTCP Phát triển siêu thị Hà Nội; và CTCP Sản xuất kinh doanh gia súc gia cầm. Hapro do bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch Tập đoàn BRG – làm Chủ tịch HĐQT. Các thành viên HĐQT còn lại của Hapro gồm: ông Trần Anh Tuấn, ông Vũ Thanh Sơn (thành viên HĐQT kiêm TGĐ), bà Trần Thị Tuyết Nhung, và ông Nguyễn Thái Dũng.
Đó chính là quỹ đất nằm ở vị trí đắc địa mà hiện nay Hapro đang nắm trong tay. Trước cổ phần hóa, Hapro quản lý và sử dụng 183 cơ sở nhà đất. Theo phương án phê duyệt, sau cổ phần hóa, Hapro được giao nắm giữ 114 địa điểm là cơ sở nhà, đất tại Hà Nội và các tỉnh thành.
Loạt “đất vàng” mà Hapro nắm giữ sau cổ phần có thể kể đến như: Số 19-21 Đinh Tiên Hoàng diện tích đất 280 m2; số 1 Điện Biên Phủ diện tích đất 500 m2; số 135 Lương Đình Của diện tích đất 1.843 m2; C12 Thanh Xuân Bắc diện tích đất 1.780 m2; D2 Giảng Võ BA Đình diện tích 1.230 m2; Tổ hợp thương mại văn phòng 15 tầng số 11B Cát Linh diện tích 2.933 m2; phòng 15 tầng số 11B Cát Linh diện tích 2.933 m2; Tòa nhà số 362 Phố Huế, quận Hai Bà Trưng 7 tầng nổi, 1 tầng hầm có diện tích đất 618 m2; dự án trung tâm thương mại văn phòng số 5 Lê Duẩn cao 9 tầng diện tích đất 1.624 m2; Trung tâm kinh doanh chợ Thượng Đình 3.108 m2… Ngoài ra, Hapro còn được tiếp tục sở hữu hàng loạt khu công nghiệp thực phẩm; trung tâm kinh doanh chợ đầu mối Bắc Thăng Long; dự án điểm đỗ xe; cụm nhà ở với diện tích đất lên đến hàng trăm nghìn m2…
Tại các tỉnh thành khác, Hapro cũng sở hữu loạt khu đất có diện tích không hề nhỏ.
Năm 2016, Nhà nước thoái toàn bộ vốn tại Vinamotor, Tập đoàn BRG hiện là cổ đông lớn nhất, chi phối hoạt động của Tổng công ty. Vinamco cũng từng chi 1.250 tỷ đồng để mua cổ phần Tổng công ty Vinamotor từ Bộ Giao thông Vận tải. Ngoài ra, Vinamco cũng từng ngỏ ý tham gia mua 36% cổ phần của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) trong năm 2016.
BRG thâu tóm Công ty TNHH MTV Du lịch Dịch vụ Dầu khí Việt Nam (OSC Việt Nam) trong đợt IPO của công ty này tới đây. Theo đó, sau IPO cổ đông chiến lược nắm giữ tới 43% OSC Việt Nam chính là Tập đoàn BRG. Được biết, từ 2010 OSC Việt Nam đã đẩy mạnh sang đầu tư vào lĩnh vực địa ốc. Theo bản công bố thông tin của OSC Việt nam, công ty hiện đang quản 2 khách sạn tiêu chuẩn quốc tế 4 sao (Palace, Grand), 2 khách sạn 3 sao (Rex), 3 khách sạn 2 sao và 1 khu căn hộ cao cấp, 30 biệt thự. Ngoài ra, công ty này hiện đang sử dụng 56 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích 107,971 m2 dưới hình thức đất thuê, trả tiền thuê hằng năm. Ngoài ra, OSC Việt Nam có 4 công ty con và 10 công ty liên kết. Những công ty liên kết chủ yếu hoạt động lĩnh vực xây dựng, bất động sản, du lịch mà OSC nắm giữ khoảng từ 20% đến 44%.
Kiên Cương