Trong thời gian qua và đặc biệt là nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản có nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng thiếu nguồn cung, cơ cấu sản phẩm nhà ở chưa phù hợp, giao dịch trầm lắng, doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn, dừng triển khai các dự án bất động sản, cắt giảm lao động…Chính phủ đề nghị đẩy mạnh truyền thông khôi phục niềm tin, hỗ trợ thị trường bất động sản.
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi nền kinh tế, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội năm 2023, giai đoạn 2023-2025 nói chung và thị trường bất động sản nói riêng, Chính phủ ban hành Dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.
Theo đó, Dự thảo Nghị quyết đã đưa ra nhiều giải pháp, như hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nguồn vốn tín dụng, tổ chức thực thi pháp luật ở các địa phương… Đặc biệt là thông tin, truyền thông khôi phục niềm tin, hỗ trợ trị trường và hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản.
Theo đó, để tháo gỡ khó khăn về suy giảm niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường bất động sản, cần thực hiện một số giải pháp.
Đẩy mạnh thông tin, truyền thông thể hiện rõ thông điệp, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng hành với địa phương, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế – dân sự; bảo vệ những người làm đúng, bảo vệ, hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Kiểm soát, kiểm duyệt chặt chẽ, có hiệu quả các kênh thông tin xã hội không chính xác, không chính thống có thể gây tác động tiêu cực đến tâm lý nhận dân, nhà đầu tư, khách hàng và thị trường, nhất là các thông tin có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế.
Đẩy mạnh công tác công bố, công khai, minh bạch các thông tin, nhất là kịp thời tuyên truyền, phổ biến, công bố công khai các chính sách, quy định, giải pháp mới của Nhà nước về tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu, tình hình thị trường bất động sản,… để xã hội có các thông tin chính xác, chính thống qua đó ổn định tâm lý, ổn định thị trường.
Tăng cường giám sát, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản. Để có những góc nhìn đầy đủ về “sức khoẻ” của thị trường bất động sản năm 2023, cũng như những góc nhìn về cách điều hành vĩ mô của Chính phủ trong việc hỗ trợ thị trường hồi phục, phát triển; cùng với đó là bàn luận và đưa những giải pháp cần tiếp tục triển khai để khơi thông, thúc đẩy thị trường ổn định; kích hoạt các hoạt động kinh doanh bất động sản tại khu vực miền Nam, tạo khí thế và niềm tin cho khách hàng, nhà đầu tư về một thị trường bất động sản khởi sắc trong thời gian tới.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thời gian qua, kinh tế vĩ mô rất tốt nhưng thị trường bất động sản lại gần như “đóng băng” và đây chính là hiện tượng “bất thường” của thị trường bất động sản.
Chia sẻ về những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm của thị trường bất động sản hiện nay, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thứ nhất, theo xu hướng điều chỉnh chung của thị trường bất động sản thế giới và Việt Nam sau hơn 2 năm tăng trưởng khá nóng (giá bất động sản thế giới tăng khoảng 10-20% và của Việt Nam tăng khoảng 20-50%). Thứ hai, vướng mắc về pháp lý chưa được giải quyết kịp thời. Thứ ba, nguồn vốn rõ ràng bị thu hẹp hơn trong năm vừa qua. Thứ tư, nhiều vụ việc vi phạm liên tiếp xảy ra khiến cho niềm tin nhà đầu tư bị giảm sút, thanh khoản thị trường giảm nhanh. và cuối cùng là liên quan đến quan hệ cung cầu khiến cho việc giá cả chưa hợp lý.
Trên cơ sở nhận diện những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “bất thường” của thị trường bất động sản, TS. Cấn Văn Lực đã nêu một số kiến nghị quan trọng để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của thị trường này. Theo đó, Nhà nước không nhất thiết phải dùng tiền ngân sách để hỗ trợ, giải cứu mà dùng cơ chế, chính sách và vốn đối ứng, nhất là vốn mồi (chủ yếu đối với nhà ở xã hội). Thêm vào đó, thị trường bất động sản cũng như thị trường tài chính, cần tiến tới minh bạch thị trường và chuyên nghiệp hơn.
Tổng Hợp
(Nhịp Sống Thị Trường, Tạp chí Tài Chính)