Đồng tiền để yên là đồng tiền chết. Đồng tiền đưa vào đầu tư là đồng tiền sống. Nhưng nếu chọn nhầm kênh đầu tư thì đồng tiền còn chết hơn là đồng tiền để yên.
Giá vàng đã vượt ngưỡng 50 triệu đồng/lượng. Ảnh: Đức Thanh
Giá vàng phi mã
Trung tuần tháng 7/2020, giá vàng tại Việt Nam đã vượt ngưỡng 50 triệu đồng/lượng – mức cao nhất trong lịch sử. Chỉ từ đầu năm đến nay, giá vàng trong nước đã tăng khoảng 20%.
Nhiều chuyên gia dự báo, trong năm nay, giá vàng trong nước có thể vượt qua mốc 58 triệu đồng/lượng, thậm chí còn có dự đoán khủng lên tới 70 – 80 triệu đồng/lượng.
Dự báo giá vàng trong nước tăng mạnh xuất phát từ giá vàng thế giới có thể vượt qua mốc 2.000 USD/ounce, thậm chí có dự đoán đạt tới 3.000 USD/ounce), trong khi các nước hạ thấp lãi suất cơ bản…; tỷ giá VND/USD được dự đoán sẽ vượt qua mốc 25.000 VND/USD; tâm lý tích trữ, trú ẩn vào vàng còn lớn.
Tuy nhiên, đã xuất hiện tình trạng lướt sóng khi giá vàng lúc tăng, lúc giảm. Hơn nữa, giá vàng cũng lên xuống thất thường, nên rủi ro lớn, đặc biệt khi giá đã tăng cao như hiện nay.
USD giữ giá
Giá USD đã cơ bản ổn định từ năm 2012 đến nay (bình quân thời kỳ 2011-2019 chỉ tăng trên 1,6%/năm), tức là thấp hơn định hướng tăng khoảng 2%/năm của Ngân hàng Nhà nước. Nguyên nhân chủ yếu do lượng ngoại tệ vào Việt Nam hiện vẫn đạt quy mô khá; xuất siêu 4 năm liền và có khả năng xuất siêu năm thứ 5 liên tiếp; lượng kiều hối từ năm 2012 đến 2019 đã vượt qua mốc 10 tỷ USD…
Việc điều hành tỷ giá đã có sự thay đổi tích cực về phương thức, lãi suất tiền gửi ngoại tệ ở mức 0%, thấp xa so với lãi suất tiền gửi nội tệ.
Tâm lý găm giữ ngoại tệ cũng đã giảm. Lòng tin đối với VND cơ bản bảo đảm…
Tuy tốc độ tăng tỷ giá USD trong những tháng tới có thể cao lên do nhiều đối tác thương mại lớn phá giá mạnh đồng nội tệ, lượng tiền tung ra thị trường của nhiều nước còn lớn hơn trong khủng hoảng 2008-2009, tỷ giá thương mại 3 tháng đầu năm đã chuyển sang dấu âm (có lợi cho nhập khẩu hơn là xuất khẩu),…, nhưng khả năng đến cuối năm cũng khó vượt qua mốc 25.000 VND/USD.
Chứng khoán khó dự báo
VN-Index sau 4 năm tăng, bước sang năm 2020 đã giảm khá sâu và cả năm cũng sẽ giảm do tác động của Covid-19, tác động của thị trường chứng khoán thế giới… Mặc dù từ nay đến cuối năm, khi mặt trận thứ nhất được kiểm soát, mặt trận thứ hai được khởi động và đẩy mạnh, thì VN-Index sẽ tăng lên. Tuy nhiên, nhiều dự đoán so với cuối năm trước vẫn còn bị giảm. Nếu biết lựa chọn các mã (sẽ bùng lên sau dịch) và có kỹ thuật đầu tư tốt (biết chọn “đỉnh” và “đáy” theo chu kỳ tăng lên hay giảm xuống), thì vẫn có lãi.
Bất động sản – kênh đầu tư dài hạn
Bất động sản nhìn tổng quát có 2 điểm đáng lưu ý.
Thứ nhất, về lâu dài, đây vẫn là kênh đầu tư hiệu quả, bởi “người đẻ, nhưng đất không đẻ”.
Thứ hai, giá đất ở những nơi có công trình mới, những địa bàn hình thành hoặc mở rộng thị trấn, thị xã, thành phố, khu dân cư, khu công nghiệp vẫn tăng.
Giá bất động sản từ mấy chục năm qua đã qua 3 – 4 cơn sốt (năm 1993, 2000, 2008…), có cơn sốt (giá tăng không chỉ tính bằng phần trăm, mà tính bằng lần, bằng chục lần; nhiều người trở thành đại gia cũng bắt đầu hoặc chủ yếu từ đầu tư vào bất động sản), mỗi cơn sốt cách nhau 7 – 8 năm. Từ vài năm nay, do cung tăng cao, vừa qua lại thêm tác động của Covid-19, nợ bất động sản cao, nên giá tăng chậm lại, có nơi bị giảm.
Tới đây, nếu việc chuyển dịch đầu tư, chuyển cơ sở sản xuất của nhiều nước tới Việt Nam, thì nhu cầu mặt bằng sẽ tăng lên…, kéo giá bất động sản tăng lên. Tuy nhiên, đầu tư vào lĩnh vực này cần có vốn lớn, thanh khoản thấp…, nên đầu tư không dễ.
Gửi tiết kiệm an toàn, song hiệu quả giảm dần
Trong mấy năm qua, lãi suất tiết kiệm khá cao, và cao hơn tương đối so với chỉ số giá tiêu dùng (CPI), nên đây được xem là một kênh đầu tư an toàn và khá hiệu quả. Tuy nhiên, gần đây, lãi suất giảm dần, nên hiệu quả đầu tư cũng giảm theo.
Tóm lại, hiện nay, kênh có tỷ suất lợi nhuận cao nhất là vàng, tiềm tàng là bất động sản, an toàn là gửi tiết kiệm, đầu tư chứng khoán thì khá rủi ro, nếu không có kỹ thuật.
(Theo Báo đầu tư)