Lúc này việc nghiên cứu cơ sở lý luận và pháp lý của đấu giá quyền sử dụng đất ở nước ta hết sức quan trọng và cần thiết.
Trước động thái bỏ cọc của Tân Hoàng Minh, ông Trần Xuân Lượng, Tiến sĩ chuyên ngành BĐS – Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng lúc này việc nghiên cứu cơ sở lý luận và pháp lý của đấu giá quyền sử dụng đất ở nước ta hết sức quan trọng và cần thiết. Tiến sĩ Trần Xuân Lượng phân tích, căn cứ Luật Đất đai 2013 và các văn bản của Chính phủ quy định từ Trung ương ban hành về đấu giá quyền sử dụng đất kết hợp với các quy định pháp lý của UBND từng địa phương, mỗi đơn vị tham gia công tác đấu giá cần tuân thủ các nguyên tắc đấu giá, có trách nhiệm trong phạm vi của mình.
Việc đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện công khai, liên tục, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia. Đấu giá quyền sử dụng đất là hoạt động mới ở nước ta nhưng sự xuất hiện của nó đã có những đóng góp quan trọng cho việc tạo lập sự ổn định, minh bạch, công bằng xã hội trong hoạt động giao đất, cho thuê đất đảm bảo lợi ích của Nhà nước và lợi ích của người sử dụng đất.
Tiến sĩ Trần Xuân Lượng cho rằng, hiện nay việc đấu giá quyền sử dụng đất cũng còn gặp không ít khó khăn về quy trình, thủ tục thực hiện và còn một số tồn tại trong xác định giá tài sản của các thửa đất, tình trạng đầu cơ đất trong đấu giá vẫn còn xảy ra. Mặt khác, công tác quản lý sử dụng đất sau đấu giá chưa chặt chẽ dẫn đến chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng của người trúng đấu giá, chậm xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng theo quy hoạch chi tiết đã phê duyệt. Công tác quản lý các giao dịch quyền sử dụng đất còn yếu kém….
“Quy định về thời gian và tiền đặt cọc đấu giá khiến nhiều người chỉ trực kiếm lời, sang tay, mà không có ý định thực. Theo quy định, người tham giá đấu giá sẽ chỉ phải đặt cọc từ 5 – 20% giá khởi điểm. Khi tham gia đấu giá, họ không xác định mục tiêu ban đầu là sử dụng đất, mà kỳ vọng lướt sóng để ăn tiền chênh lệnh”, Tiến sĩ chuyên ngành BĐS – Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay.
Đối với việc trúng đấu giá cao xong bỏ cọc của Tân Hoàng Minh ở Thủ Thiêm, ông Trần Xuân Lượng dẫn ý kiến của một số chuyên gia phân tích cho rằng có khả năng việc đẩy giá khu đất không loại trừ trường hợp có chủ ý, có sắp đặt của một nhóm người nhằm kéo mặt bằng giá chung của cả khu vực đó lên cao. “Nói cách khác, họ chịu chi cao cho một mảnh đất, nhưng bù lại sẽ bán những mảnh đất xung quanh ở mức cao. Cuối cùng mức thu về lớn hơn nhiều so với số tiền bỏ ra. Đây là một chiêu trò thị trường khó được kiểm soát, nhưng nó có sức tạo ra làn sóng rất lớn”, Tiến sĩ chuyên ngành BĐS nói.
UBND TPHCM khẳng định, chưa nhận được văn bản của Tập đoàn Tân Hoàng Minh về việc đơn phương hủy hợp đồng mua bán đấu giá tài sản liên quan đến lô đất tại Thủ Thiêm được đấu giá có ký hiệu 3/12.
Chiều 11/1, trên mạng xã hội xuất hiện một văn bản được cho là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã đơn phương hủy hợp đồng mua bán đấu giá tài sản liên quan đến lô đất tại Thủ Thiêm được đấu giá có ký hiệu 3-12.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, TPHCM chưa chính thức nhận được văn bản của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và đang tìm hiểu thông tin về vấn đề này.
Trong khi đó, Trung tâm dịch vụ Bán đấu giá tài sản TPHCM (thuộc Sở Tư pháp TPHCM) cho biết, họ có biết thông tin về văn bản đang lan truyền trên mạng, được cho là liên quan đến việc Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt-đơn vị trúng đấu giá lô đất ở Thủ Thiêm, đơn phương hủy hợp đồng mua bán đấu giá tài sản.
Tuy nhiên, Trung tâm dịch vụ Bán đấu giá tài sản TPHCM không thể xác định đây là văn bản thật hay giả. Đến nay, Trung tâm dịch vụ Bán đấu giá tài sản TPHCM chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng như các đơn vị trúng đấu giá về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản liên quan đến các lô đất ở Thủ Thiêm.
Tổng Hợp