Đất Xanh tiếp tục công bố báo cáo lưu chuyển tiền tệ với dòng tiền âm trong quý đầu năm 2021. Trong đó, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm 516,5 tỷ đồng, cùng kỳ âm 1.484,5 tỷ đồng. Hàng tồn kho của Đất Xanh tăng lên hơn 10.000 tỷ.
Tính tới 31/3/2021, tổng tài sản của DXG tăng 10,1% so với đầu năm lên 25.674,6 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tồn kho đạt 10.148,7 tỷ đồng, chiếm 39,5% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 8.325,1 tỷ đồng, chiếm 32,4% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn đạt 1.293,6 tỷ đồng, chiếm 5% tổng tài sản.
Trong năm 2020, hàng tồn kho của Đất Xanh tăng từ gần 6.800 tỷ đồng lên xấp xỉ 10.300 tỷ đồng, chủ yếu là các bất động sản dở dang dài hạn. Tại thời điểm cuối năm, các dự án ghi nhận giá trị lớn nhất tại khoản mục hàng tồn kho (bất động sản dở dang) là dự án Gem Skype World với giá trị tồn kho là 3.550 tỷ đồng. Dự án Gem Riverside tồn kho 1.560 tỷ đồng và dự án Opal Boulevard là 1.200 tỷ đồng.
Để bù đắp cho dòng tiền hoạt động kinh doanh chính thâm hụt 516,5 tỷ đồng cùng dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm 114,4 tỷ đồng, doanh nghiệp phải huy động vốn tài chính để bù đắp thâm hụt dòng tiền. Cụ thể, dòng tiền tài chính dương 1.188,5 tỷ đồng, chủ yếu đến từ vay nợ ròng tăng thêm. Nếu nhìn rộng ra từ năm 2016 tới năm 2020, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp liên tục thâm hụt kéo dài. Cụ thể, năm 2016 âm 467,3 tỷ đồng, năm 2017 âm 1.054,1 tỷ đồng, năm 2018 âm 931,8 tỷ đồng, năm 2019 âm 1.645,8 tỷ đồng và năm 2020 là âm 780,2 tỷ đồng. Doanh nghiệp chủ yếu huy động dòng tiền từ chủ sở hữu và nợ vay để tài trợ cho hoạt động kinh doanh thâm hụt kéo dài.
Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn cũng đã tăng 20,1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.192,2 tỷ đồng lên 7.137,5 tỷ đồng và chiếm 27,8% tổng nguồn vốn. Nhờ dòng tiền huy động vốn từ nợ vay tăng thêm đã giúp số dư tiền mặt của doanh nghiệp tăng trong kỳ. Bên cạnh lợi nhuận gộp tăng 377,2% so với cùng kỳ lên 1.736,4 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng 139,9% so với cùng kỳ lên 116,1 tỷ đồng do dư nợ liên tục tăng, chi phí bán hàng tăng 564,3% lên 562,7 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 22,8% so với cùng kỳ lên 148,7 tỷ đồng và hoạt động khác biến động không đáng kể.
Tổng nợ phải trả của doanh nghiệp tại thời điểm cuối quý I hơn 15.995 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Có thể thấy trong kỳ mặc dù lợi nhuận gộp tăng nhưng đồng thời chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng đều tăng tương đối mạnh.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DXG đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đưa vào diện bị cảnh báo và bị cắt margin kể từ ngày 31/3/2021. Lý do là lãi ròng trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2020 của DXG là con số âm gần 496 tỷ đồng, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định.
Kiên Cương