Sốt đất tại một số các tỉnh, thành phố trong thời gian qua, có những nhà đầu cơ lướt sóng dễ dàng kiếm tiền tỷ, nhưng cũng có không ít những nhà đầu tư không tìm hiểu kỹ, chạy theo sốt ảo và đầu tư hàng tỷ đồng vào những dự án bán không có người mua. Đất sốt trở lại sau 10 năm, đến khi hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư cũng lâm vào cảnh lao đao.
Trước tình trạng sốt đất, các ngân hàng siết chặt hoạt động cho vay kinh doanh bất động sản, thuế áp giá cao theo thị trường. Đặc biệt, nhiều địa phương đã tạm dừng giải quyết thủ tục liên quan việc chia tách thửa, đồng thời có biện pháp kiểm soát các hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn. Do đó, thị trường bất động sản tại nhiều địa phương cũng đã hạ nhiệt và dần ổn định trở lại.
Câu chuyện giá nhà tăng chóng mặt đã có những con số thống kê đầy đủ. Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, giá bất động sản năm 2021 tăng mạnh. Đơn cử, vùng ven Thủ đô Hà Nội như Quốc Oai tăng 20%, Ba Vì tăng 45%, một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình tăng 46%, Bắc Ninh tăng 20%, Hưng Yên tăng 26%.
Khảo sát của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho thấy, 70% người dân đô thị có nhu cầu nhà ở với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2. Thế nhưng, nghịch lý ở chỗ, tại TP.HCM, không còn dự án nhà ở bình dân nào có mức giá như vậy trong suốt 2 năm qua. Tình trạng tại Hà Nội cũng không khả quan hơn. Thay vào đó, mức giá 40-50 triệu đồng/m2 chiếm số lượng áp đảo. Thậm chí, một số thời điểm, phân khúc cao cấp còn chiếm tỷ trọng cao nhất trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra, dòng sản phẩm chung cư, nhà ở giá 2 tỷ đồng sẽ “tuyệt chủng”. Điều đó đồng nghĩa với việc cơ hội sở hữu một căn nhà của rất nhiều người ngày càng trở nên xa vời, hoặc phải mất nhiều năm để tích lũy.
Cũng thời điểm ra Tết năm ngoái, tình trạng tăng giá đất ảo đã diễn ra trên khắp cả nước. Cụm từ “sốt đất”, “sốt ảo” xuất hiện khắp mọi nơi với nhiều chiêu trò, dự kiến sẽ còn trở lại trong năm nay. Tuy nhiên, quan sát thị trường ở góc độ tích cực hơn, cũng có chuyên gia cho rằng các nhà đầu tư trải qua nhiều cơn sốt đất thì sẽ có thêm bài học, có thêm sự hiểu biết về thị trường.
Mặt khác, tương lai thị trường cũng sẽ trở nên minh bạch hơn, khó lợi dụng yếu tố quy hoạch để tạo sốt ảo. Thực tế cho thấy các chính sách liên quan đến đầu tư bất động sản hiện cũng đang dần được cải thiện theo hướng minh bạch hóa.
Chẳng hạn, trước tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp, nhiều lãnh đạo địa phương đã chỉ đạo tạm dừng toàn bộ việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến tách thửa đất, nhưng thực chất là biến tướng thành dự án.
Điều này phần nào khiến các sản phẩm minh bạch, dự án uy tín được hưởng lợi do nhà đầu tư điều chỉnh dòng tiền. Báo cáo của Bộ xây dựng năm 2021 cho thấy giá bất động sản ở nhiều loại hình đều tăng. Chẳng hạn như giá căn hộ chung cư tăng bình quân khoảng 5-7%, giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%, hay giá đất nền tăng 20-30%.
Trong năm nay, các chuyên gia cho rằng thị trường bất động sản vẫn tiếp tục hút dòng tiền nhờ yếu tố về mặt bằng lãi suất thấp, đồng thời nhờ việc tăng cường đẩy mạnh đầu tư công, hạ tầng, nằm trong gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Theo ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản, dòng tiền vẫn sẽ chảy vào lĩnh vực bất động sản trong năm nay. Thị trường theo đó sẽ điều chỉnh lại và ổn định trong 6 tháng cuối năm khi hấp thụ các chính sách.
“Đầu tiên là chính sách tín dụng, tiếp đó là chính sách về thủ tục pháp lý sẽ đưa dòng tiền vào những sản phẩm bất động sản thật, tránh những sản phẩm từ các cơn sốt ảo”, chuyên gia Trần Khánh Quang đưa ra đánh giá hồi đầu năm.
Tổng Hợp