Dù không phải trường hợp phổ biến trên thị trường đất nền, nhưng giá đất nền giảm sâu về 1tỷ đồng như giá những năm 2019.
Mới đây, một chủ đất tại Q.9 (cũ, nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) đã giảm nền đất từ 3.6 tỉ đồng xuống còn 2.6 tỉ đồng cho nền đất hơn 50m2 gây chú ý. Được biết, nền đất này đã rao bán giảm 600 triệu đồng thời điểm cuối năm 2022 nhưng chưa bán được. Theo đó, hiện chủ đất quyết định giảm “mạnh tay” 1 tỉ đồng để ra được hàng nhanh.
Gửi một số môi giới bán lại với giá giảm sốc, chủ mảnh đất hi vọng sẽ có khách chốt trong thời gian ngắn, do bản thân cần tiền gấp giải quyết công việc.
Cách đó không lâu, một mảnh đất tại P.Long Phước, Q.9 cũng giảm 500 triệu đồng để ra hàng trong 1 tuần. Mức giảm này tương đương với giá thị trường giai đoạn 2018-2019. Trường hợp các nhà đầu tư ngộp tài chính cần bán tài sản với giá giảm sâu có dấu hiệu tăng mạnh sau thời điểm Tết nguyên đán.
Nền đất 52m2 tại P.Long Trường, Q.9 hiện đang chào giá bán 2.4 tỉ đồng. Giá này đã giảm 450 triệu đồng so với giá các nền đất bên cạnh, cùng khu vực. Do cần tiền nên chủ đất giảm mạnh với hi vọng ra được hàng sớm.
Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại khu vực Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi của Tp.HCM. Đất nền các khu vực này đã có dấu hiệu hạ giá từ 10-15%. Cá biệt có một số mảnh đất giảm sâu trên 30% so với thời điểm đầu năm 2022. Dù không phổ biến nhưng các mảnh đất hạ giá đã có dấu hiệu tăng lên so với thời điểm trước Tết nguyên đán. Theo một số môi giới bất động sản, nguồn hàng ngộp nhận được từ nhà đầu tư tăng lên khoảng 20-30% so với tháng 12/2022.
Nhìn vào bức tranh đất nền khu vực phía Nam cho thấy, hiện nay thị trường diễn ra theo chiều hướng: người bán nhiều hơn người mua. Sản phẩm giảm giá sâu nhưng giao dịch vẫn khá ít. Nhiều người nhìn thấy cơ hội nhưng không đủ tài chính xuống tiền với đất nền (việc tiếp cận vay ngân hàng không dễ). Người có tài chính thì lựa chọn kỹ, và thận trọng.
Đã từng vào thị trường đất nền với mục đích lướt sóng, mua nhanh bán nhanh hưởng chênh, hiện khá nhiều nhà đầu tư chôn vốn, gồng lãi vay ngân hàng. Những tác động từ chính sách tín dụng, lãi suất tăng cao khiến nhà đầu tư đất nền áp lực tài chính. Nhiều người hiểu rằng, việc ra hàng trong thời điểm này không hề dễ. Theo đó, tình trạng nhà đầu tư chấp nhận bán ngang vốn, thậm chí chịu lỗ là điều dễ hiểu.
Theo ghi nhận, phần lớn các sản phẩm đất nền cần sang nhượng trong thời điểm này đến từ thị trường thứ cấp, là các dự án đã và đang trong quá trình triển khai được nhà đầu tư mua đi bán lại dưới sức ép về tài chính.
Có thực tế là sau khi hết thời gian ân hạn, nhiều nhà đầu tư đang phải trả lãi suất vay ngân hàng lên tới 12 – 15%/năm, gây nên những áp lực rất lớn. Kông ít trường hợp phải đi vay ngoài để trả lãi. Để thoát được hàng, không còn cách nào khác là phải giảm giá.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, giá bất động sản , đặc biệt là phân khúc đất nền đang được điều chỉnh giảm mạnh, gần như trở lại mức giá thời điểm cuối năm 2021 khi chưa xảy ra “sốt đất”. Việc “cắt lỗ” thời gian vừa qua chỉ xảy ra với các nhà đầu tư ngắn hạn hoặc đối với các sản phẩm đầu tư, không phục vụ nhu cầu ở thực.
Dự báo làn sóng rao bán đất nền lan rộng ở các tỉnh phía Nam và có thể còn tăng trong những tháng tới. Thị trường được dự đoán sẽ cần ít nhất 1 – 2 năm để tái cấu trúc và phục hồi. Thị trường thứ cấp sẽ xuất hiện ngày càng nhiều các trường hợp cần rao bán, sang nhượng tài sản. Đa số người bán lúc này đều giảm giá.
Theo các chuyên gia, những khó khăn của thị trường bất động sản chắc chắn không thể giải quyết trong ngắn hạn. Vì vậy, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ việc tiếp tục rót tiền vào sản phẩm nào, thậm chí nhà đầu tư không nên cố gồng giữ tài sản chờ lên giá. Nếu quá nhiều rủi ro, lời khuyên là nhà đầu tư nên mạnh dạn “cắt lỗ”.
Tổng Hợp