Đằng sau những hào nhoáng, sang trọng là những bài toán cân não lớn mà các chủ đầu tư càng lớn thì càng không thể bỏ cuộc bởi sau họ là hàng trăm, hàng ngàn người lao động.
Không chỉ những lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn lớn căng mình tìm cách vượt khó mà chính những doanh nghiệp nhỏ cũng luôn ở trong tình trạng kiệt sức.
Với ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Trần Anh Group, ông Vinh cho biết áp lực trong kinh doanh thì chủ doanh nghiệp nào cũng phải chịu, nhưng áp lực của một chủ đầu tư bất động sản thì lớn hơn so với nhiều ngành khác do đụng đến việc an sinh của cư dân.
“Dự án bàn giao rồi, nhưng không phải như vậy là đã xong. Việc phải ra sổ cho khách hàng mua nhà của mình, hay cả chính sách sao cho các nhà đầu tư thứ cấp ra được hàng đầu tư tại dự án của mình cũng như tìm nguồn hàng mới để cho doanh nghiệp tiếp tục bán hàng là điều không hề dễ dàng mà tất cả đều phải dựa vào lãnh đạo doanh nghiệp chứ không nằm ở các phòng ban khác của công ty”, ông Vinh nói.
Nói về những áp lực đối với các chủ đầu tư, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, nó như những con sóng ngầm mà dữ dội với các thành viên trên thị trường. Đằng sau những hào nhoáng, sang trọng là những bài toán cân não lớn mà các chủ đầu tư càng lớn thì càng không thể bỏ cuộc bởi sau họ là hàng trăm, hàng ngàn người lao động.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị HungThinh Corp cho biết, áp lực là rất lớn nhưng đã là chủ đầu tư thì phải chấp nhận điều đó.
“Có nhiều lúc muốn bỏ tất cả vì mệt mỏi, nhưng rồi nghĩ lại đó là tâm huyết của tôi và của tập thể anh em lãnh đạo cùng nhân viên công ty nên không thể dừng lại mà chỉ có thể nỗ lực hết sức từng ngày”, ông Trung nói.
Ông N.Đ.T, Chủ tịch Tập đoàn bất động sản lớn tại TP.HCM kể, 1 tháng nay, ít nhất đã có 10 cuộc họp lúc 1 giờ sáng giữa ông và ban lãnh đạo công ty để giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp hiện đang gặp phải.
Ông T. kể, những năm trước, dù dịch bệnh, số lượng dự án cũng như hàng bán ra rất tốt. Tuy nhiên, từ tháng 4 tới nay doanh nghiệp ra mắt 3 dự án với hơn 3.000 nhân viên bán hàng nhưng cũng chỉ được hơn 100 giao dịch.
“Trong khi đó, khoản nợ ngân hàng, khoản vay qua kênh phát hành trái phiếu để phát triển doanh nghiệp và dự án tới thời điểm phải thanh toán đã tới nơi. Mỗi tháng chúng tôi mất khoảng 700 triệu tiền trả lãi ngân hàng. Để giải quyết vấn đề này, thì các cuộc họp giữa phòng ban là cần thiết và không kể thời gian nào. Miễn là tìm ra cách giúp doanh nghiệp thoát khỏi nghịch cảnh hiện nay”, ông T. nói.
Cũng theo ông T., trước đây 1 tháng ông chỉ họp với ban lãnh đaọ cấp cao công ty khoảng 10 cuộc họp, nhưng 3 tháng nay các cuộc họp đã tăng lên tới mỗi ngày 4, 5 cuộc họp.
Bà P.T.T, giám đốc Maketing thương hiệu của một tập đoàn bất động sản tại quận 3 cũng trong tình trạng “căng mình đi họp”. Đặc biệt, một mệnh lệnh mới từ lãnh đạo cấp cao của tập đoàn là không ai được tắt điện thoại bởi họ có thể được triệu tập họp bất kỳ lúc nào.
Tập đoàn hiện có 4 dự án đang triển khai bán, thế nhưng lượng giao dịch mỗi tháng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để giải quyết vấn đề bán hàng, lãnh đạo tập đoàn đã liên tục phải họp để tìm ra một chính sách bán hàng mới, thu hút được khách hàng.
Tổng Hợp