Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam ở Ấn Độ, nhóm phản ứng nhanh về thuốc và vắc xin Covid-19 của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đang tiến hành đàm phán để đưa vắc xin Nanocovax của Việt Nam sang thử nghiệm và sản xuất đại trà tại Ấn Độ. Hiện tại, việc đàm phán đang dần hoàn tất và chuẩn bị tiến tới ký hợp đồng.
Đại sứ quán Việt Nam ở Ấn Độ quyết định thành lập “Nhóm phản ứng nhanh” bao gồm phòng Thương vụ, phòng Khoa học công nghệ, phòng Chính trị kinh tế và các cán bộ chủ chốt của Đại sứ quán với mục đích tiến hành đàm phán với các hãng dược của Ấn Độ để đưa thuốc điều trị và vắc xin Covid-19 về Việt Nam.
Nhóm phản ứng nhanh cũng có nhiệm vụ đi gặp các cơ quan chức năng của Ấn Độ để xử lý các vấn đề liên quan tới giấy phép, vận chuyển. Nhóm ra đời bắt nguồn từ nhưng nhu cầu thực thế của Việt Nam với việc tìm các nguồn cung thuốc và vắc xin cho nỗ lực chống dịch trong nước. Ý tưởng về nhóm ra đời sau một chuyến thăm tới thành phố Hyderabad, trung tâm dược của Ấn Độ. Chúng tôi nhận ra ở đó có 2.500 đơn vị sản xuất dược, đang sản xuất các thuốc đặc trị Covid-19 trong đó có Remdesivir.
Đằng sau loại thuốc này là một câu chuyện đặc biệt. Tháng 9/2020, khi 38 cán bộ, nhân viên Đại sứ quán nhiễm Covid-19, chúng tôi được nghe rằng Remdesivir có hiệu quả rất cao trong điều trị Covid-19. Chúng tôi cũng đã thuyết phục Bộ Ngoài giao đề nghị phía Ấn Độ sử dụng thuốc Remdesivir cho cán bộ Đại sứ quán.
Nhóm này cũng đang đàm phán để nhập vắc xin Covid-19 cho Việt Nam. Phía Việt Nam đã tìm được nguồn cung nhưng đang chờ phía Ấn Độ chấp thuận cho xuất khẩu vắc xin. Thực tế, Ấn Độ vẫn đang có số ca mắc Covid-19 rất lớn, lên tới 50.000 ca/ngày nên việc xuất khẩu vắc xin và thuốc cho nước ngoài gặp nhiều trở ngại.
Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng nói rằng Việt Nam đang đàm phán để mua thuốc điều trị Covid-19 thông qua đường uống. Trước đó, ông Châu cho biết Ấn Độ đã dành cho Việt Nam 1 triệu liều Remdesivir – thuốc điều trị Covid-19 từng được Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng khi mắc Covid-19 vào năm 2020. Trong số 1 triệu liều này, 500.000 liều đã được Tập đoàn Vingroup đặt mua. Đại sứ quán Việt Nam ở Ấn Độ cho biết sẽ nỗ lực hỗ trợ về thủ tục đối với những doanh nghiệp nào muốn mua 500.000 liều Remdesivir còn lại để mang về phục vụ nhu cầu trong nước.
Trong một diễn biến khác, nhiều địa phương ở Việt Nam đề nghị cho phép sử dụng vắc xin Nanocovax trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy vắc xin Made in Vietnam có hiệu quả cao đồng thời ít tạo ra tác dụng phụ không mong muốn. Việc cấp phép cho vắc xin này dự kiến có thể diễn ra trong thời gian tới sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết Kỳ họp 1, cho phép Chính phủ chủ động hơn trong các hoạt động phòng, chống Covid-19.
Với mong muốn đưa thuốc điều trị Covid-19 về Việt Nam, Vingroup đã nhờ Chính phủ, Bộ Y tế và Đại sứ quán Việt Nam ở Ấn Độ tác động. Nhóm phản ứng nhanh về thuốc và vắc xin điều trị Covid-19 của Đại sứ quán đã ngay lập thức được triển khai thành 2 mũi. Mũi 1 đàm phán với các bộ ngành của Ấn Độ để xin giấy phép xuất khẩu. Nhóm thứ 2 đàm phán với từng công ty dược của Ấn Độ để “thu lượm” từng liều thuốc Remdesivir có thể dành cho Việt Nam.
Nhật Hạ