Bổ sung thêm câu chuyện về vòng luẩn quẩn “tắc pháp lý – tắc vốn – tắc sản phẩm”, tổng giám đốc một doanh nghiệp địa ốc cho biết, doanh nghiệp ông đang sở hữu hàng chục dự án bất động sản và trong giai đoạn khó khăn vừa qua, để tạo dòng tiền, doanh nghiệp đã chào mời bán lại dự án cho nhiều đối tác, quỹ đầu tư nước ngoài.
Theo vị giám đốc sàn môi giới này, xét về các yếu tố vĩ mô, thời gian vừa rồi, Nhà nước đã thực sự thể hiện quyết tâm hồi phục và phát triển bền vững thị trường bất động sản. Đặc biệt, theo tinh thần Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ, hai nút thắt chính của thị trường bất động sản là vướng mắc pháp lý và nghẽn dòng tiền đã được chỉ ra và có hướng tháo gỡ. Cụ thể, về vốn, doanh nghiệp bất động sản khó khăn sẽ được xem xét giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ. Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh phù hợp hệ số rủi ro với các phân khúc bất động sản. Yêu cầu các ngân hàng thương mại có biện pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường.
Chính phủ cũng đưa ra mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, phân khúc đang thiếu hụt trên thị trường, để tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng người dân về nhà ở. Để có vốn hỗ trợ phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của 4 ngân hàng lớn, cho chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay. Mức lãi suất gói tín dụng này sẽ thấp hơn 1,5-2% lãi suất vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trong từng thời kỳ.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), các quyết sách trên là rất chuẩn xác, nhưng đều mang tính dài hạn, chưa kể khoảng cách từ chủ trương đến thực tế sẽ cần thời gian để thẩm thấu. Điều cấp thiết nhất hiện tại là từ Nghị quyết của Chính phủ, các địa phương cụ thể hóa thành các giải pháp, thậm chí “cầm tay chỉ việc” giải quyết từng nút thắt, từng dự án cụ thể để tránh tình trạng “nước xa không cứu được lửa gần”. Đặc biệt, như Nghị quyết 33 đã chỉ ra rằng, việc giải quyết vướng mắc pháp lý cho các dự án chính là cởi bỏ điểm nghẽn quan trọng nhất của thị trường bất động sản hiện nay.
Ông Lê Hoàng Châu cho biết, HoREA mới có văn bản gửi UBND TP.HCM báo cáo về tình trạng của 38 dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM của 14 doanh nghiệp, tập đoàn. Đây là các dự án có quy mô lớn trong số 116 dự án đang đầu tư dở dang và vướng thủ tục. Ông Châu ước tính, chỉ 38 dự án dở dang này đã là “núi tiền” cả trăm ngàn tỷ đồng bị “chôn” chặt, nếu được gỡ vướng pháp lý sẽ giải quyết được nhiều khó khăn về nguồn vốn cho doanh nghiệp, nguồn cung sản phẩm cho thị trường.
Cũng cần thừa nhận TP.HCM là địa phương khá “sốt sắng” với vấn đề pháp lý bất động sản khi từ đầu năm đến nay chính quyền thành phố đã liên tiếp có nhiều cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp địa ốc để tháo gỡ vướng mắc về thủ tục phát triển dự án.
“Mỗi dự án bị vướng mỗi kiểu, nên có cuộc họp lãnh đạo thành phố gọi 3 – 4 ông chủ đầu tư lên, gặp riêng mỗi ông vài chục phút để lắng nghe và bàn bạc hướng ra”, đại diện một doanh nghiệp bất động sản cỡ lớn trên địa bàn tiết lộ.
Bổ sung thêm câu chuyện về vòng luẩn quẩn “tắc pháp lý – tắc vốn – tắc sản phẩm”, tổng giám đốc một doanh nghiệp địa ốc cho biết, doanh nghiệp ông đang sở hữu hàng chục dự án bất động sản và trong giai đoạn khó khăn vừa qua, để tạo dòng tiền, doanh nghiệp đã chào mời bán lại dự án cho nhiều đối tác, quỹ đầu tư nước ngoài. Mặc dù rất nhiều đối tác quan tâm, nhưng khi vào giai đoạn đàm phán, họ đều từ chối mua vì lý do: “Dự án chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý”.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư)