Chuyên gia dự báo bất ngờ về thị trường khu vực bất động sản sẽ hồi phục nhanh nhất. Dẫn dắt thanh khoản thị trường hiện tại đang là phân khúc đánh vào nhu cầu ở thực.
Sự phục hồi dự kiến bắt đầu tư thị trường nhà ở tại các đô thị lớn như khu vực Hà Nội, Tp.HCM, Bình Dương, Cần Thơ sau đó dần phục hồi ở các đô thị vệ tinh lân cận.
Trong chia sẻ mới đây, bà Phạm Thị Miền, Phó ban Nghiên cứu thị trường và tư vấn xúc tiến đầu tư bất động sản VARS nhận định, trong bức tranh tổng thể của thị trường đã thực sự xuất hiện rất nhiều điểm sáng tại một số khu vực. Theo bà Miền, đó là những địa phương có kinh tế phát triển được quan tâm, chú trọng thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông như: Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, TP. HCM… Đây cũng là những địa phương sẽ ghi nhận sự hồi phục rõ nét của thị trường địa ốc. Sóng bất động sản sẽ còn được ghi nhận tại các địa phương sẵn sàng vào cuộc để chung tay gỡ rối cùng doanh nghiệp bất động sản. Đây là tín hiệu đáng mừng và đáng ghi nhận.
Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đã chỉ ra, trong khoảng 2 năm qua, có hàng ngàn dự án được các doanh nghiệp triển khai, đầu tư trên cả nước phải dừng lại để xem xét sự phù hợp về pháp lý với tổng giá trị ước đạt khoảng 30 tỷ USD. Điều này là một trong những nguyên nhân làm giảm nguồn cung và làm nghiêm trọng hơn tình hình trầm lắng của thị trường.
Bên cạnh đó, nhiều năm qua, thị trường bất động sản liên tục tăng giá tại nhiều khu vực, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Cơ cấu sản phẩm bất động sản đang có sự lệch pha, khi chiếm đa phần trong giỏ hàng là các sản phẩm trung và cao cấp.
Trong khi đó, thị trường hiện nay đang thiếu vắng các sản phẩm nhà ở phù hợp với “túi tiền” của số đông người dân. Theo báo cáo của VARS, tính chung cả năm 2022, nguồn cung toàn thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm, tương đương 90% tổng lượng sản phẩm chào bán mới năm 2021 – thời điểm thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và chỉ bằng 28% so với năm 2018 (180.000 sản phẩm). Trong đó, phân khúc đất nền chiếm 44%, căn hộ cao cấp chiếm 37%, căn hộ trung cấp chiếm 15% và căn hộ bình dân chiếm tỷ trọng thấp nhất với 4%. Tỷ lệ tiêu thụ chung của toàn thị trường đạt khoảng 39%, tương đương 19.000 giao dịch, bằng 69% so với lượng tiêu thụ của năm 2021 và bằng 17% lượng giao dịch của năm 2018.
Vậy nên năm 2023, các chuyên gia dự báo nguồn cầu ở thực sẽ tăng mạnh, do đó những sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu này cũng dễ dàng thanh khoản hơn. Cuối năm 2022, theo một số đơn vị nghiên cứu thị trường, lượng giao dịch thành công cũng có xu hướng tập trung ở phân khúc nhà có thể ở ngay với mức giá vừa phải.
Hiện nay, tâm lý người dân vẫn ưa chuộng tích lũy bất động sản. Thời gian qua, trong lúc thị trường gặp nhiều biến động thì cũng đã xuất hiện không ít nhà đầu tư tìm cơ hội bắt đáy và gom bất động sản các tỉnh vùng ven để chờ thời cơ. Bên cạnh đó, dù còn đối mặt với không ít khó khăn nhưng nền kinh tế nước ta năm 2023 được dự báo vẫn sẽ có những dấu hiệu khởi sắc, đây cũng là động lực giúp thị trường bất động sản được cho là sẽ ghi nhận những tín hiệu tích cực hơn trong lực cầu và vấn đề thanh khoản.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn và có dư địa lớn nên có khả năng sẽ sinh lời cao, đồng thời cũng có khả năng gia tăng thêm lợi nhuận nếu biết khai thác kinh doanh hiệu quả. Hơn nữa, tâm lý của người dân cũng có xu hướng đổ tiền vào bất động sản như một kênh tích trữ an toàn khi đối diện với tình hình lạm phát tăng cao.
Tổng Hợp