Đại hội cổ đông ngân hàng liên tục “nóng” chuyện trái phiếu.
Tại đại hội cổ đông thường niên của ngân hàng ACB vừa được diễn ra sáng 13/4, cổ đông ngân hàng đã chất vấn ban lãnh đạo nhà băng này giải trình chi tiết khoản mục trái phiếu trong báo cáo tài chính.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ngân hàng trả lời, hiện ACB không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. 85% danh mục trái phiếu của ngân hàng là trái phiếu chính phủ, phần còn lại là trái phiếu của các tổ chức tín dụng lớn.
“Trong năm 2023, chúng tôi cũng không đầu tư vào trái phiếu các doanh nghiệp, trừ trái phiếu của các tổ chức tín dụng”, ông Phát chia sẻ.
Lãnh đạo ngân hàng này nói thêm, tỷ lệ cho vay đối với bất động sản của ACB vào khoảng 24%. Trong đó, 80% cho vay mua nhà ở, cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản dưới 1%.
Trước đó hôm 11/04, tại đại hội cổ đông SHB, nhà đầu tư cũng đã thắc mắc về khoản mục trái phiếu trong danh mục đầu tư của nhà băng này.
Tổng Giám đốc SHB, Bà Ngô Thu Hà trả lời, chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán của ngân hàng hiện gồm 3 phần: trái phiếu chính phủ – 19.000 tỷ, trái phiếu của TCTD – 1.150 tỷ, trái phiếu tổ chức kinh tế (trái phiếu doanh nghiệp) 13.186 tỷ. Trái phiếu doanh nghiệp của SHB chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng xanh chiếm 60%, đã bắt đầu có dòng tiền. 40% còn lại là bất động sản trong các dự án khu công nghiệp và nhà ở, các dự án này đều có thanh khoản và đơn vị phát hành đều thanh toán đầy đủ cho SHB với kỳ hạn 3 – 5 năm.
Chủ tịch SHB, ông Đỗ Quang Hiển bổ sung, tổng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng có tài sản đảm bảo đầy đủ và đã có dòng tiền.
“SHB rất yên tâm về trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng nắm giữ. Ngân hàng không tham gia bảo lãnh thanh toán, chỉ tham gia dịch vụ đại lý nhưng rất ít”, ông Hiển chia sẻ.
Tại đại hội cổ đông VIB hồi giữa tháng 3, các nhà đầu tư của ngân hàng này cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với vấn đề cấu trúc dư nợ tín dụng và trái phiếu. Đây cũng là câu hỏi đầu tiên được nêu lên trong đại hội.
Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB có dẫn lại các báo cáo của Credit Suisse và Moody’s để thông tin chi tiết cho các cổ đông về vấn đề này. Theo đó, hiện trái phiếu tại ngân hàng chỉ có 1.800 tỷ trên tổng 32.000 tỷ dư nợ. Hầu hết trái phiếu đều thuộc nhóm sản xuất kinh doanh và định chế tài chính. Chỉ có 3% trái phiếu là cho vay bất động sản.
Ông nói thêm, 90% dư nợ của ngân hàng là cho vay bán lẻ. Trong đó, có 90% là có tài sản đảm bảo. Một nửa số tài sản thế chấp là các bất động sản. Hiện tại, ngân hàng có thể chịu đựng được việc thị trường bất động sản giảm giá đến 57%.
Nợ xấu tăng, dẫn đầu hệ thống về nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp và doanh thu bảo hiểm, nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém… sẽ là những chất vấn chờ đợi tân Chủ tịch HĐQT MB tại ĐHĐCĐ sắp tới.
Dự kiến ngày 25/4 tới, MB tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Nhiều vấn đề đang chờ đợi tân Chủ tịch Lưu Trung Thái trong ĐHĐCĐ thường niên sắp tới. Trong tài liệu gửi cổ đông trước thềm đại hội, năm nay, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 26.100 tỷ đồng, tăng 15% và đứng ở mức cao nhất trong số các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.
Năm 2023, ngân hàng cũng sẽ thực hiện nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại theo các nội dung đã được ĐHĐCĐ thông qua năm 2022 và các giao dịch hợp tác, hỗ trợ với ngân hàng thương mại đó để chuẩn bị cho việc MB nhận chuyển giao bắt buộc.
Chiến lược tăng trưởng giai đoạn tới cũng như kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém sẽ là thách thức đặt ra với tân Chủ tịch HĐQT MB giai đoạn tới. Tại ĐHĐCĐ năm 2022, một số cổ đông MB tỏ ra lo lắng về việc ngân hàng này sẽ phải nhận ‘khúc xương” ngân hàng yếu. Nhiều cổ đông lấy ví dụ các trường hợp sáp nhập ngân hàng yếu thời gian qua (ví dụ Sacombank sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam) sau đó đều mất nhiều năm mới xử lý được các tồn tại của ngân hàng yếu.
Trả lời về vấn đề này, ông Lưu Trung Thái khi đó khẳng định, MB là một trong 7 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mời nhận chuyển giao bắt buộc và phương án của MB được chọn. Những năm qua, MB tăng trưởng 20-25% và vẫn kiểm soát an toàn, việc nhận chuyển giao bắt buộc là để mở rộng không gian tăng trưởng cho MB, ngân hàng hoàn toàn tự nguyện, không bị bắt buộc.
Mặc dù MB có kết quả kinh doanh năm 2022 tích cực, mục tiêu tăng trưởng năm 2023 cũng rất khả quan, song MB đang có nợ xấu tuyệt đối tăng khá nhanh. Bên cạnh đó, việc nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất hệ thống cũng như có doanh thu lớn về bảo hiểm trong khi hai thị trường này đều đang bị ảnh hưởng khá tiêu cực là vấn đề khiến nhiều cổ đông lo ngại.
Trong năm 2022, nợ xấu của MBBank tăng 54% lên hơn 5.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng gấp 2,8 lần so với năm 2021, lên mức 2.293 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng nợ xấu của MBBank.
Kết thúc năm 2022, MB cũng dẫn đầu hệ thống ngân hàng về số lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ, với 46.870 tỷ đồng, tăng 4.500 tỷ so với cuối năm 2021, chủ yếu là trái phiếu bất động sản và trái phiếu năng lượng.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư, NSTT)