Trong quá khứ, nước ta xuất hiện không ít vị đại gia vừa giàu về tài sản, vừa có tấm lòng nhân ái, trở thành niềm cảm hứng bất tận cho bao thế hệ.
Doanh nhân Trịnh Văn Bô – giàu có bậc nhất Hà thành
Ông Trịnh Văn Bô ((1914 – 1988) cùng vợ là chủ của một cửa hiệu buôn vải sợi Phúc Lợi tại phố Hàng Ngang (Hà Nội). Những năm 1940, ông được đánh giá là một trong những doanh nhân giàu có bậc nhất Hà thành.
Ông sở hữu các mối làm ăn rộng khắp trong và ngoài các nước Đông Dương. Bên cạnh đó, ông Bô cũng mở rộng thêm lĩnh vực kinh doanh bất động sản và dệt vải.
Vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô. Ảnh tư liệu
Không chỉ giàu có, tên tuổi của doanh nhân Trịnh Văn Bô còn được biết đến qua những đóng góp về tiền bạc của ông cho đất nước. Gia đình ông đã ủng hộ tới 5.147 lượng vàng cho chính phủ để giải quyết khó khăn sau Cách mạng Tháng 8.
Tỷ phú Nguyễn Sơn Hà – ông “tổ” nghề sơn Việt
Tỷ phú Nguyễn Sơn Hà (1894 – 1980) sinh ra và lớn lên trong gia đình có 7 người con. Từ nhỏ, ông đã được học chữ Nho và chữ Quốc Ngữ. Nhờ đó, khi lớn lên, ông xin được công việc phụ bàn giấy cho một hãng buôn của Pháp.
“Ông tổ” ngành sơn Việt Nam – doanh nhân Nguyễn Sơn Hà. Ảnh: VietNamFinance
Sau này do lương thấp, ông bỏ sang làm cho hãng sơn dầu Sauvage Cottu ở Hải Phòng. Tại đây, ông bắt đầu nuôi ý định tạo một hãng sơn của riêng người Việt. Vào năm 1917, sau khi tích lũy đủ kiến thức và kinh nghiệm, ông Hà bắt bầu thực hiện ước muốn của mình.
Sau một thời gian phát triển, sơn của ông được bán rộng rãi trong nước và một số quốc gia lân cận như Xiêm, Phnôm Pênh, Viêng Chăn… Từ những thành công này, ông chính thức lập hãng sơn riêng có tên gọi Gecko. Kể từ đây, tỷ phú Nguyễn Sơn Hà được mệnh danh là Ông tổ nghề sơn.
Ngoài kinh doanh, tỷ phú Nguyễn Sơn Hà còn rất tích cực đóng góp và vận động nhiều người tham gia trong buổi quyên góp “Tuần lễ vàng” do chính phủ phát động. Trong đó, gia đình ông đã tặng 10,5 kg vàng và vô số trang sức có giá trị cho chính phủ.
Thương gia Bạch Thái Bưởi – giàu có bậc nhất đất Việt đầu thế kỷ XX
Thương gia Bạch Thái Bưởi (1874 – 1932) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại Hà Đông (Hà Nội). Cha mất sớm, ông phải giúp mẹ sinh sống bằng nghề bán hàng rong. Tuy nhiên, nhờ sự thông minh, lanh lợi, ông thu hút được sự chú ý của một phú hào họ Bạch. Khi trở thành con nuôi của vị phú hào này, ông được học chữ Quốc Ngữ, chữ Pháp.
Sau này, ông làm nhân viên thư ký cho một hãng buôn người Pháp ở Tràng Tiền (Hà Nội) rồi chuyển sang làm với một hãng thầu công chánh. Trong thời gian làm việc ở đây, ông Bạch Thái Bưởi học được cách tổ chức và quản lý sản xuất, tiếp xúc nhiều với máy móc thiết bị.
Thương gia Bạch Thái Bưởi. Ảnh tư liệu
Đến năm 1909, ông bước chân vào lĩnh vực vận tải đường sông và trở thành một trong bốn người giàu nhất bấy giờ. Chỉ trong 10 năm, công ty vận tải của thương gia Bạch Thái Bưởi đã có đến 30 tàu lớn nhỏ cùng vô số sà lan chạy khắp các con sông miền Bắc, và nhiều quốc gia như Hong Kong, Singapore, Philippines, Trung Quốc, Nhật Bản…
Từ đây, ông vươn lên đỉnh cao trong sự nghiệp kinh doanh, trở thành một trong những “tứ đại gia” lừng lẫy thời đó.
Doanh nhân Trương Văn Bền – chủ thương hiệu xà bông Cô Ba nức tiếng
Doanh nhân Trương Văn Bền (1883 – 1956) may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu có tại Sài Gòn. Từ nhỏ, ông đã được hưởng nền giáo dục tốt, ngay từ nhỏ trong ông đã có tố chất kinh doanh. Ông Trương Văn Bền từng giữ chức Ký lục thượng thư dưới chính quyền Pháp.
Doanh nhân Trương Văn Bền. Ảnh tư liệu
Tuy nhiên, vào năm 1901, ông rời bỏ không làm cho chính quyền Pháp và bắt đầu đi theo con đường kinh doanh. Thuở ban đầu, ông bán lạc và đậu xanh, đường tại số 40 rue du Cambodge (Chợ Lớn), sau đó nhập hàng sỉ từ người Hoa và bán lại cho các tiệm khác.
Năm 1932, hãng xà bông Trương Văn Bền được thành lập, ban đầu sản xuất 600 tấn xà bông mỗi tháng. Tận dụng nguyên liệu có sẵn, ứng dụng kỹ thuật mới cùng chú trọng quảng cáo, xà bông của ông đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trên hộp xà bông của hãng có hình một trong những mỹ nhân nức tiếng Sài Gòn thời bấy giờ – cô Ba.
Sau đó, xà bông cô Ba nhanh chóng được biết tới trên toàn Đông Dương, thậm chí xuất sang Hương Cảng, Châu Phi…
(Tri Thức và Cuộc Sống)