Cận cảnh lô “đất vàng” ở Thủ Thiêm được bán đấu giá hơn 2,4 tỷ đồng/m2; Nhóm đầu cơ “ôm hàng”, thổi giá đất, chuyên gia “sợ” bong bóng phình to… là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.
Cận cảnh lô “đất vàng” ở Thủ Thiêm được bán đấu giá hơn 2,4 tỷ đồng/m2
Lô đất vàng cuối cùng được đấu giá ngày 10/12 thuộc về Công ty Ngôi Sao Việt, doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Mức giá “ông trùm” bất động sản này chi ra lên tới 24.500 tỷ đồng.
Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch tập đoàn này là người trực tiếp tham gia cuộc đấu giá và đưa ra mức giá. Trong khi đối thủ chỉ đưa giá với bước giá cao hơn 100 đến 200 tỷ đồng, ông Dũng thể hiện phong cách “phủ đầu” với bước giá 400-500 tỷ đồng. Ở lượt đấu thứ 69, Capital One Financial đặt mức giá 23.800 tỷ đồng. Lúc này, ông chủ Tân Hoàng Minh “tung đòn quyết định” khi ra giá 24.500 tỷ đồng, vượt xa mức giá của đối thủ.
Cuối cùng, công ty của ông Đỗ Anh Dũng đã chính thức trở thành chủ nhân của lô đất vàng hơn 10.000 m2 tại Thủ Thiêm với mức giá tương đương 1,1 tỷ USD, gấp 8 lần giá khởi điểm. Mức giá bình quân Tân Hoàng Minh đưa ra lên tới hơn 2,4 tỷ đồng/m2.
Cận cảnh lô “đất vàng” ở Thủ Thiêm được bán đấu giá hơn 2,4 tỷ đồng/m2 (Ảnh: Hữu Khoa).
Nhóm đầu cơ “ôm hàng”, thổi giá đất, chuyên gia “sợ” bong bóng phình to
Nhiều dấu hiệu cho thấy sốt đất đang quay trở lại. Qua ghi nhận, nhiều nơi giá đất được thổi cao hơn so với thời điểm “đỉnh” đầu năm. Các phiên đấu giá “nóng hổi” với lượng người tham gia đông, ồn ã với kết quả trúng cao ngất ngưởng.
Mới đây báo chí đưa tin phiên đấu giá ở Đông Hà (Quảng Trị) có lô đất giá khởi điểm 1,8 tỷ đồng nhưng được bán với giá 4,5 tỷ đồng. Hầu hết các lô cũng được “đấu” mức cao hơn nhiều so với sàn.
Nói với Dân trí, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng, sốt đất đang có dấu hiệu quay trở lại. Những người có đất thì “hô” giá trên trời, nhà đầu cơ thì tha hồ “thổi giá”, người mua ái ngại, cuối cùng không có mấy giao dịch.
“Giá tăng cao quá, bị “thổi” nhiều, không đi kèm với giá trị, do vậy đường cung – đường đầu khó gặp nhau; có dấu hiệu của một nguy cơ bong bóng bất động sản trong tương lai”, ông Nghĩa lo ngại.
“Khi giá đất tăng, người sở hữu lại càng tiếp tục kỳ vọng còn cao giá hơn nữa. Cung – cầu đi song song nhau. Chỉ cần cú sốc thì thị trường sẽ gánh hệ lụy lớn”, ông Nghĩa nhấn mạnh thêm.
Giá đất nhiều nơi ồn ã, chuyên gia lo sốt quay trở lại
Ngay sau khi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 được kiểm soát, nhu cầu đầu tư vào bất động sản như sau nén lại “bung” ra. Với diễn biến của thị trường chứng khoán và bất động sản thời gian qua, câu nói nguồn lực trong dân còn rất nhiều là không sai, một chuyên gia về tài chính nhận xét.
Cả “đống” tiền cao và dài được chia sẻ là để giao dịch bất động sản. Ảnh cắt từ video được chia sẻ trên mạng xã hội.
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam – cũng lo ngại sốt đất quay trở lại. Ông thừa nhận có nhiều dấu hiệu đang bắt đầu cho thấy điều đó.
Theo ông, khả năng về đợt sốt đất là rất cao do nhu cầu đầu tư của người dân thì lớn, thị trường lại khan hiếm nguồn cung, một bộ phận lợi dụng tình trạng này đẩy giá lên cao.
“Diễn biến thị trường hiện nay là hệ quả của tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường. Các dự án vướng mắc, toàn án binh bất động, cực kỳ ít dự án mới ra, trong khi đó nhu cầu đầu tư rất lớn. Các nhà đầu tư cơ tận dụng tình thế này, nhiều sản phẩm bất động sản ra đời không đi theo chủ trương quy hoạch phát triển nào cả”, ông Đính lo ngại.
Ông Đính dẫn chứng về tình trạng ở Thạch Thất, Ba Vì… với những hiện tượng về phân lô bán nền diễn ra khá phức tạp. Một nhóm hoặc một cá nhân đứng ra gom sổ (ở khu vực nông thôn, nhiều hộ được phân cho mấy trăm m2 đất ở với mấy nghìn đất vườn), sau đó chia lô ra. Theo ông, pháp luật không cấm nhưng lại không phù hợp với quy hoạch, ảnh hưởng đến sự phát triển chung.
Ông Nguyễn Thành Phong: Giải ngân quá ồ ạt sẽ gây bong bóng bất động sản
Bàn về gói hỗ trợ kích thích kinh tế, ông Nguyễn Thành Phong – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương – nhấn mạnh đến sự phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa.
Ông Nguyễn Thành Phong – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương (Ảnh: Quốc Chính).
Cũng theo vị này, phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ như Trung Quốc là bài học cần xem xét. Đồng thời bài học này chỉ có thể thực hiện được khi chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải phối hợp chặt chẽ với nhau.
“Việc giải ngân từ tài khóa cần đều đặn tránh giật cục. Vì tiền từ tài khóa khi chi tiêu sẽ quay trở lại hệ thống ngân hàng để cung cấp tiền nhàn rỗi cho hệ thống, qua đó giảm áp lực tăng lãi suất tiền gửi”, ông Phong nói.
Đồng thời không nên giải ngân quá ồ ạt có thể gây áp lực lên lạm phát và bong bóng tài sản tài chính và bất động sản, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Khan cung, chủ đầu tư “đẩy giá” nhà ở thương mại lên thành trung, cao cấp
Theo HoREA, 11 tháng đầu năm, TPHCM chỉ giải quyết “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” cho 20 dự án tồn đọng trước đây và chưa áp dụng được khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 vào thực tiễn, nên vẫn “ách tắc” khoảng 150 dự án đầu tư có quỹ đất hỗn hợp, hoặc chỉ có đất nông nghiệp, hoặc chỉ có đất phi nông nghiệp không phải là đất ở đề nghị “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư”.
Cũng chính điều này, theo HoREA, đã khiến thị trường xuất hiện các tác động tiêu cực như chủ đầu tư có sản phẩm nhà ở, nhất là chủ đầu tư dự án lớn có lợi thế, có thể độc chiếm thị trường, làm giá, đẩy giá nhà lên cao để nhằm tối đa hóa lợi nhuận, dẫn đến tình trạng giá nhà tăng liên tục trong hơn 5 năm qua kể cả trong giai đoạn dịch Covid-19.
Thứ hai do thiếu nguồn cung nên các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại giá vừa túi tiền đẩy giá lên thành nhà trung, cao cấp. Trong 2 năm 2020-2021 hầu như không còn loại nhà ở giá bình dân dưới 25 triệu đồng/m2 trên thị trường, làm cho giấc mơ tạo lập nhà của người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị càng xa vời, HoREA nhấn mạnh.
Nguyễn Khánh