Từ khách sạn đầu tiên được phát triển tại Điện Biên Phủ năm 1997, quy mô của chuỗi khách sạn Mường Thanh thuộc sở hữu của ông Lê Thanh Thản tăng lên 60 khách sạn thành viên như hiện nay, sức chứa 10.000 phòng, phủ hầu hết các địa phương, và là một trong những thương hiệu khách sạn lớn nhất cả nước.
Ông Lê Thanh Thản từng nói rằng, “khách sạn chỉ là nghề tay trái để tạo công ăn việc làm cho xã hội và lấy chỗ dựa để thúc đẩy thêm ngành bất động sản. Khi nào bất động sản kém rồi thì lấy khách sạn làm chính”.
Ban đầu, các khách sạn Mường Thanh thuộc Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên – công ty phát triển bất động sản chủ chốt của ông Lê Thanh Thản.
Tuy nhiên, từ năm 2012, ông Thản đã thành lập thêm CTCP Tập đoàn Mường Thanh (Mường Thanh Group) làm đầu mối quản lý và sở hữu hệ thống khách sạn theo một tiêu chuẩn chất lượng và hình ảnh đồng nhất.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện Mường Thanh Group đang quản lý/sở hữu hơn 30 khách sạn Mường Thanh. Bên cạnh đó công ty cũng quản lý các trung tâm bán lẻ, giải trí, game club, và bất động sản… Phần còn lại chủ yếu vẫn do DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên nắm giữ, một số lượng nhỏ thuộc về các công ty khác trong tập đoàn. Tính đến tháng 7/2020, vốn điều lệ của Tập đoàn Mường Thanh đạt mức 2.689 tỷ đồng. Ông Lê Thanh Thản, sáng lập, sở hữu 68,54%. Bà Lê Thị Hoàng Yến, con gái ông Thản, Tổng giám đốc, sở hữu 19%. Các cổ đông khác là ông Đỗ Trung Kiên và ông Lê Hải An nắm lần lượt 8,406% và 4,054%.
Theo dữ liệu chúng tôi có được, doanh thu của Tập đoàn Mường Thanh đạt 1.570 tỷ đồng năm 2019, gấp đôi so với năm trước đó. Ở chiều ngược lại, doanh thu của công ty DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên giảm 22% còn 832 tỷ đồng. Tổng doanh thu của hai công ty quản lý phần lớn chuỗi khách sạn Mường Thanh đạt trên 2.400 tỷ đồng năm 2019.
Trong đầu tư bất động sản, “đại gia điếu cày” quan niệm không vay vốn ngân hàng bởi ông cho rằng chi phí lãi vay chiếm đến 20% giá thành sản phẩm, còn lại có thể huy động vốn từ nhiều nguồn khác. “Quan điểm của tôi là hết sức cân nhắc khi vay. Thực tế có nhiều chủ đầu tư chết vì vay vốn ngân hàng quá nhiều, dự án thì bán chậm, thậm chí không bán được nên không có tiền trả nợ”, ông Lê Thanh Thản từng chia sẻ với báo chí.
Nói về nguyên nhân chọn phân khúc nhà ở giá rẻ, ông Lê Thanh Thản cho rằng “làm kinh tế không ai muốn bán rẻ sản phẩm của mình. Tôi chỉ muốn làm những căn nhà giá rẻ vì tôi nghĩ nếu muốn thành công phải làm ra sản phẩm được nhiều người sử dụng, những người có nhu cầu ở thực sự.
Tiền bỏ ở nhiều nơi nhưng không mang lại lợi nhuận
Nhưng điểm đáng chú ý hơn cả là khối tài sản hai công ty của ông Thản đang nắm giữ. Tính đến hết năm 2019, DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên ghi nhận 27.616 tỷ đồng tài sản, tại Tập đoàn Mường Thanh là 15.093 tỷ đồng, tương đương giá trị hàng tỷ USD. Tài sản của Tập đoàn Mường Thanh bắt đầu tăng mạnh trong năm 2018, đây có thể là nhân tố thúc đẩy doanh thu tăng theo khi nhận vận hành thêm cách khách sạn mới.
2019 cũng là năm đầu tiên Mường Thanh ghi nhận lãi 33 tỷ đồng sau ba năm thua lỗ trước đó, dù doanh thu mỗi năm đều đạt vài trăm tỷ đồng và tăng trưởng liên tục.
Năm 2015, ông Lê Thanh Thản đã mua lại cổ phần của CTCP Du lịch Dầu khí Phương Đông (Mã: PDC) từ CTCP Tập đoàn Đại Dương (OceanGroup, Mã: OGC). Theo tính toán của “đại gia điếu cày”, thương vụ này trị giá 70 tỷ đồng.
Trong đó, Du lịch Dầu khí Phương Đông được biết đến là đơn vị sở hữu hai khách sạn lớn ở Nghệ An, gồm Khu phức hợp chung cư – khách sạn Cửa Đông (Mường Thanh Grand Cửa Đông) và Trung tâm hội nghị khách sạn Phương Đông (Mường Thanh Grand Phương Đông). Năm 2019, ông Lê Thanh Thản được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Du lịch Dầu khí Phương Đông. Gia đình ông nắm gần 48,4% vốn tại đơn vị này, tính đến ngày 29/1/2021.
Những năm gần đây, kết quả kinh doanh của Du lịch Dầu khí Phương Đông đã cải thiện so với giai đoạn trước và xóa bớt lỗ lũy kế. Tính đến cuối năm 2020, doanh nghiệp còn lỗ lũy kế hơn 31 tỷ đồng.
Các dự án BĐS gắn với Mường Thanh phần nhiều do Doanh nghiệp xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên, CTCP Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bemes, CTCP Phát triển Địa ốc Cienco 5 làm chủ đầu tư. Tính đến cuối năm 2019, quy mô tài sản của các doanh nghiệp lần lượt ghi nhận 27.616 tỷ đồng, 5.390 tỷ đồng và 20.212 tỷ đồng.
Giai đoạn 2016-2019, Doanh nghiệp xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên đạt doanh thu 800-1.200 tỷ đồng mỗi năm. Song, doanh nghiệp liên tục lỗ sau thuế từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng. Thậm chí, Bemes không phát sinh doanh thu trong giai đoạn này, tuy nhiên con số lỗ của doanh nghiệp giảm qua từng năm, từ lỗ hơn 5 tỷ đồng ở năm 2016 còn lỗ gần 1,5 tỷ đồng vào năm 2019. Tương tự ở Cienco 5, doanh nghiệp do ông Lê Thanh Thản làm Chủ tịch HĐQT, cũng liên tục thua lỗ.