Theo doanh nghiệp, vì thủ tục pháp lý kéo dài, các chủ đầu tư phải tính toàn bộ chi phí do chậm vào giá thành. “Sao DN có thể chịu lỗ được, lỗ thì doanh nghiệp phá sản”, DN bất động sản thốt lên.
Doanh nghiệp nghĩ tới pháp lý là sợ
Một tọa đàm với sự góp mặt của nhiều tên tuổi có tiếng ngành bất động sản vừa được diễn ra tại FLC Sầm Sơn Beach do Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, CLB doanh nhân Sao Đỏ phối hợp tổ chức.
Một đại biểu tham dự cho biết tọa đàm được coi như là cuộc họp “nội bộ” nhưng có sự góp mặt của báo chí với hy vọng muốn truyền tải những kiến nghị, đề xuất nhằm tháo gỡ thị trường bất động sản đến cơ quan quản lý, những người làm chính sách.
Rất nhiều vấn đề được đưa ra “mổ xẻ”, trong số này, nổi bật nhất vẫn là yếu tố pháp lý. Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, dự án từ lúc bắt đầu đến lúc đủ điều kiện thực hiện kéo dài 3-5 năm, thậm chí có những dự án hơn cả thập kỷ vẫn chưa xong.
Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch FLC – phải thốt lên: “Doanh nghiệp rất sợ pháp lý, càng ngày càng khó khăn. Nghĩ đến pháp lý là sợ”.
Tiết lộ đây là lần đầu tiên đi dự hội thảo bất động sản, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có nhiều chia sẻ “dở khóc dở cười” về thăng trầm của một nhà phát triển bất động sản.
ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh có nhiều chia sẻ thằng thắn tại toạ đàm.
Cách chia sẻ thú vị của ông Dũng khiến không ít lần cả khán phòng bật cười, vỗ tay. Theo ông Dũng, bất động sản từng được cho là phi hàng hoá, không được đưa vào danh mục ưu tiên phát triển.
Thậm chí ông Dũng cho rằng bất động sản bị coi như “con ghẻ, con nuôi” của nền kinh tế, trong khi đó ngành này ảnh hưởng đến hàng trăm ngành kinh tế khác.
Ông Dũng cho rằng, bất cập của ngành bất động sản phát sinh khi có những chính sách 10- 20 năm chưa thay đổi, không phù hợp với thị trường.
Đề cập đến những vướng mắc trong câu chuyện pháp lý, ông Dũng lấy dẫn chứng, có khu đất của Tân Hoàng Minh mua từ năm 2007, nhưng đến giờ vẫn chưa xây sau hơn 10 năm chờ giải tỏa mặt bằng, thực hiện các thủ tục pháp lý.
“Vị trí vàng, vị trí đẹp đến đâu mà để cả chục năm thì vẫn lỗ vốn” – ông Dũng nói khi đề cập tới khó khăn của doanh nghiệp địa ốc hiện nay.
Bà Hà Thu Thanh – Chủ tịch Deloitte Việt Nam – cũng cho rằng: Covid-19 khiến chúng ta nghĩ nhiều đến việc thay đổi, phục hồi nhưng còn có quá nhiều vướng mắc pháp lý trong dự án từ giải phóng mặt bằng, quy hoạch, thiết kế…
“Khi tư vấn cho doanh nghiệp về các hoạt động phát hành trái phiếu, huy động vốn có rất nhiều điều luật về luật bất động sản, luật nhà ở… bị vênh. Đây là rào cản với các doanh nghiệp địa ốc”, bà Thanh cho biết
Thủ tục càng lâu, giá nhà càng đắt
Ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh- cho rằng: Giá căn hộ tại Việt Nam rẻ hơn nước ngoài. Ở Việt Nam, giá trung bình khoảng 1.000 -2.000 USD/m2, trong khi đó với Singapore, giá vào khoảng 15.000 – 20.000 USD/m2. Trong khi đó, cấu thành toà nhà, chi phí vật liệu, chất lượng… gần như nhau.
“Nhiều người nghĩ bất động sản lời rất nhiều, thực tế không phải vậy. Lợi nhuận chỉ vài phần trăm. Nhưng tại sao nhìn các nhà bất động sản lại giàu có thế, vì họ làm rất lớn thôi” – ông Dũng chia sẻ.
Khẳng định giá nhà hiện nay dù không phải đắt đỏ, song ông Dũng cũng thừa nhận giá nhà tăng cao suốt 5 năm qua. Một phần nguyên nhân là do yếu tố pháp lý và chính sách tín dụng của ngân hàng liên tục thay đổi.
Theo ông Dũng, các chủ đầu tư phải tính toàn bộ chi phí do chậm vào giá thành, sao doanh nghiệp có thể chịu lỗ được, lỗ thì doanh nghiệp phá sản.
Vị này nhấn mạnh, chính sách tốt, thủ tục nhanh gọn thì mới giúp cho người dân mua nhà giá tốt được. Chính sách cho vay cũng phải ổn định.
“Đa số tâm lý người dân Việt Nam đều muốn sở hữu nhà riêng, nhu cầu nhà ở là rất lớn” – ông Dũng cho rằng nếu nhà nước rút ngắn thời gian làm thủ tục, quy định lại thời hạn, quy trình thủ tục pháp lý càng nhanh gọn thì giá nhà sẽ càng tốt hơn.
Còn ông Nguyễn Tuấn Hải – Chủ tịch Tập đoàn Alphanam – kỳ vọng chậm nhất đến năm 2023, những khó khăn về pháp lý sẽ có tháo gỡ được.
Làm sao để tồn tại sau Covid-19, trả lời câu hỏi này, ông Hải cho rằng phải tranh thủ chữa “bệnh nền”, vì “bệnh nền” sẽ khiến doanh nghiệp chết trước khi chết vì Covid-19.
“Đối với doanh nghiệp bất động sản, bệnh nền dễ gây chết nhất chính là pháp lý” – Chủ tịch Tập đoàn Alphanam nhấn mạnh.
Nguyễn Mạnh