VN-Index khép lại năm 2022 giảm gần 32,8%, thuộc tốp các chỉ số giảm mạnh nhất thế giới, giá trị vốn hóa thị trường trên sàn HOSE “bốc hơi” 1,79 triệu tỷ đồng. Đại đa số nhà đầu tư mới (F0) đều bị “trọng thương” trong nửa cuối năm 2022 và lặng lẽ rút lui…
Vai trò của một broker là để hỗ trợ khách hàng về dịch vụ, tư vấn đầu tư, cũng như giải quyết các vấn đề khác trong quá trình sử dụng dịch vụ của công ty chứng khoán. Tuy nhiên, nhiều broker không chuyên, không được đào tạo bài bản và đầy đủ đã tư vấn cho khách hàng những cổ phiếu tăng nóng do tin đồn hay hội nhóm, mà không dựa vào phân tích đánh giá có tính chuyên môn.
Cũng có nhiều broker chỉ chăm chú khoe lãi, tạo hình ảnh để lôi kéo khách hàng và tạo lập các hội nhóm đầu tư theo kiểu hô hào. Do đó, khi thị trường đảo chiều, các cổ phiếu đầu tư theo dạng này giảm mạnh hơn thị trường, gây thua lỗ nặng cho nhà đầu tư, đánh mất niềm tin của thị trường.
Việc nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường không chỉ thể hiện qua số lượng tài khoản mở mới giảm mạnh trong quý IV/2022, mà còn được thể hiện qua việc thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh trong năm qua.
Cụ thể, thanh khoản trên sàn HOSE trong năm 2022 đạt trung bình 654 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch bình quân đạt 17.004 tỷ đồng/phiên, giảm lần lượt 11,3% về khối lượng và 21,24% về giá trị so năm 2021.
Tuy nhiên, không phải hầu hết nhà đầu tư F0 đều rời bỏ thị trường, mà có nhiều người nhận thấy chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nên vẫn ở lại, đồng thời tự trang bị kiến thức và tích lũy kinh nghiệm để gắn bó lâu dài với thị trường.
Nhiều cổ phiếu mất nửa thị giá, thậm chí giảm 70 – 80%, khiến không chỉ nhà đầu tư cá nhân mà cả nhà đầu tư tổ chức cũng gánh những khoản lỗ nặng trong năm 2022. Theo thống kê của các công ty chứng khoán, có tới 90% nhà đầu tư cá nhân thua lỗ trong năm 2022 và nhiều người trong số đó đã lặng lẽ rời cuộc chơi.
Sự thăng hoa của thị trường chứng khoán năm 2021 và đầu năm 2022 đã kéo theo lượng nhà đầu tư mới tham gia kỷ lục. Cụ thể, trong năm 2021, có 1,5 triệu tài khoản cá nhân mở mới, cao gấp rưỡi tổng số mở mới của 4 năm liền trước. Bước sang năm 2022, con số kỷ lục này một lần nữa bị phá với 2,6 triệu tài khoản cá nhân mở mới, vượt qua tổng số lượng tài khoản mở mới của 6 năm từ 2016 đến 2021 cộng lại.
Tuy nhiên, sau đợt sụt giảm của thị trường từ tháng 9/2022, số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng sụt giảm theo với 3 tháng liên tiếp trong quý IV/2022 có lượng tài khoản mở mới dưới 100.000 tài khoản, chỉ nhỉnh hơn chút ít so với những tháng đầu năm 2021.
Thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam với 6.614 tỷ đồng tương đương khoảng 283 triệu USD trong quý 1/2022 sau khi căng thẳng chính trị Nga-Ukraine leo thang chiến tranh và Fed bắt đầu nâng lãi suất. Chỉ đến tháng 4 – tháng 5, khối ngoại dần quay lại tích cực hơn sau cú rớt mạnh của VN-Index từ 1.550 điểm về vùng giá 1.160 điểm và chính thức đẩy mạnh mua ròng trong đợt giảm giá sâu của thị trường vào tháng 11 khi chỉ số bục 900 điểm về vùng 882 điểm.
Theo đó, tháng 4/2022, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 3.896,2 tỷ đồng. Đến tháng 11, nhóm này mua ròng 16.000 tỷ đồng gồm cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đánh dấu một tháng gom ròng kỷ lục trong vòng 5 năm đổ lại. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 12/12/2022, nhà đầu tư nước ngoài giải ngân mua ròng 21.581 tỷ đồng.
Đa phần hoạt động mua vào được yểm trợ bởi dòng vốn ETF chủ yếu từ VNDiamond ETF và Fubon ETF đổ vào thị trường. Trong đó, Fubon ETF tính trong vòng một năm đổ lại giải ngân 10.450 tỷ đồng còn VNDiamond ETF giải ngân 5.428 tỷ đồng. Một số ETF khác cũng ghi nhận dòng tiền tích cực như VNM ETF, X FTSE VIETNAM SWAP, SSIAM VNFIN LEAD, KIM GROWTH VN30 ETF. Lũy kế từ đầu năm, riêng dòng vốn ETF đổ vào Việt Nam cán mốc kỷ lục 18.849 tỷ đồng, vượt xa giá trị 13.522 tỷ đồng của cả năm 2021.
Việc các nhà đầu tư nước ngoài liên tục giải ngân hoàn toàn phù hợp với nhận định của họ về thị trường Việt Nam trong giai đoạn hiện tại. Hầu hết các quỹ ngoại đều đánh giá triển vọng chứng khoán Việt Nam hấp dẫn trong trung và dài hạn nhờ tăng trưởng kinh tế được duy trì, lạm phát trong tầm kiểm soát.
Tổng Hợp
(Đầu Tư Chứng Khoán, VnE)