Trong nửa năm 2022, mặc dù lượt quan tâm tìm kiếm nhà đất liên tục giảm, nhưng giá bán lại liên tục tăng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đà tăng giá đã có dấu hiệu chững lại, manh nha làn sóng cắt lỗ.
Kể từ năm 2018 đến nay, thị trường bất động sản liên tục sụt giảm về nguồn cung bất động sản. Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản (VARS), tại Hà Nội, tổng nguồn cung căn hộ mới trong năm 2018 là hơn 39.084 sản phẩm, nhưng sang tới năm 2019 đã giảm xuống còn gần 22.500 sản phẩm. Năm 2020, nguồn cung căn hộ tiếp tục giảm xuống còn 16.350 sản phẩm. Năm 2021, số căn hộ được chào bán duy trì ở mức 16.841 sản phẩm.
Tương tự, tại TP. HCM, tổng nguồn cung căn hộ trong năm 2018 là 44.851 sản phẩm, sang năm 2019 sụt giảm rất mạnh xuống còn 25.100 sản phẩm, giảm tương đương 44%. Và sang năm 2020, căn hộ tại TP. HCM tiếp tục giảm xuống còn 21.300 sản phẩm. Đến năm 2021, nguồn cung tại TP. HCM tiếp tục giảm sâu xuống 13.583 sản phẩm.
Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2021, cả nước có khoảng 172 dự án nhà ở thương mại hoàn thành và đưa ra thị trường khoảng 24.000 sản phẩm căn hộ. Tổng nguồn cung căn hộ của cả nước trong năm 2021 chỉ nhỉnh hơn một chút, so với nguồn cung căn hộ của riêng TP. HCM trong năm 2020.
Cũng theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượng dự án nhà ở thương mại được chấp thuận mới và hoàn thành vẫn hạn chế, chưa cho thấy sự cải thiện về nguồn cung nhà ở thương mại.
Tổng lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trong 6 tháng đầu năm tổng hợp sơ bộ khoảng 12.000 căn, tương đương cùng kỳ năm 2021. Theo Bộ Xây dựng, do thiếu hụt nguồn cung trầm trọng, nên nhà ở, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM đã tăng giá phi mã, tăng bình quân 5 – 10%/năm.
Nhận xét về thực trạng vừa nêu, một môi giới lâu năm cho rằng, sau hàng loạt động thái phanh tín dụng vào bất động sản, thị trường có rất ít giao dịch. Thậm chí, có một số nhà đầu tư chuyển sang cất giữ tiền, vừa để tránh lạm phát, vừa để nghe ngóng các dự thảo sửa đổi luật về đất đai.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng hai năm dịch bệnh, thị trường nhà, đất tăng giá với mức chóng mặt, tăng giá quá ảo vì không có căn cứ để tăng. Hậu quả là biên lợi nhuận của nhà đầu tư không có, vì giá liên tục tăng nhưng thanh khoản không có. Do đó, việc tham gia thị trường nhà, đất hiện tại là rất rủi ro và mạo hiểm với nhiều người.
Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, thị trường BĐS Việt Nam hiện ở mức “chân không tới đất, đầu không tới trời”.
Đáng chú ý, vị chuyên gia này cho rằng, giá BĐS cuối năm sẽ giảm khoảng 30%, nhưng thị trường sẽ không sụp đổ, và qua giai đoạn khó khăn thì thị trường sẽ phục hồi.
Trong khi đó, các chuyên gia nhận định, sau thời kỳ sốt đất trong Quý I/2022, từ Quý II/2022 thị trường bắt đầu hạ nhiệt. Nguyên nhân là do nguồn vốn huy động từ các kênh tín dụng, trái phiếu bị kiểm soát, cùng với việc một số “nhân vật lớn” trong ngành bất động sản bị cơ quan chức năng điều tra sai phạm đã khiến thị trường rơi vào cảnh trầm lắng.
Hệ quả là giao dịch của thị trường BĐS suy giảm mạnh, thậm chí không có thanh khoản tại một số khu vực. Và theo quy luật tất yếu, sau thời gian cầm cự, nhiều nhà đầu tư bắt đầu đuối sức do không tiếp cận được vốn vay để giải ngân việc mua sản phẩm theo tiến độ hoặc đảo nợ. Vì thế, họ buộc phải chọn giải pháp bán cắt lỗ để thoát khỏi gánh nặng tài chính trên vai.
Đáng chú ý, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhận định, khi tham gia thị trường bất động sản thời điểm này, nhà đầu tư cần lưu ý nguyên tắc phòng vệ. Đặc biệt, chỉ cân nhắc việc giao dịch khi biết rõ bất động sản đó có tính thanh khoản tốt, kiểm soát được rủi ro pháp lý , rủi ro quy hoạch, rủi ro dòng tiền và hạn chế dùng đòn bẩy tài chính, tránh tình trạng “chết trên đống tài sản”.
Trước bối cảnh thị trường nhiều trầm lắng, TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng cần chính sách hỗ trợ để quá trình tái cân bằng của thị trường diễn ra “mềm mại” hơn. Ông Đính thừa nhận giá bất động sản liên tục tăng, cấu trúc thị trường phân bổ mạnh vào bất động sản đầu cơ, giá cao. Dòng tiền đổ mạnh cho nhu cầu trú ẩn và đầu cơ, nhiều hơn phục vụ nhu cầu thực. Sự phân ly mạnh mẽ giữa giá đất nền và giá căn hộ.
Tuy nhiên, khi thị bất động sản đang trải qua thời kỳ tái cân bằng giá nhà sẽ chịu áp lực tăng do chi phí tăng, lạm phát, nhu cầu nhà ở cao và nguồn cung thấp tiếp tục khiến chi phí tăng vọt. Thanh khoản sẽ giảm, dòng tiền dễ không còn. Các nhà đầu tư cũng có xu hướng cho dòng tiền nghỉ ngơi và trở nên thận trọng hơn.
“Nếu không được tháo gỡ, có thể có một giai đoạn đóng băng dài và gây đổ vỡ cho các doanh nghiệp”, ông Đính nhấn mạnh.
Tổng Hợp