Sáng nay (19/11), trao đổi nhanh ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết đã ký quyết định cấp phép thí điểm Mobile Money. “Quyết định có hiệu lực từ ngày phát hành văn bản, hôm qua tôi đã ký”, ông Dũng nói.
Mobile Money (tiền di động) là một giải pháp thay thế phổ biến cho tài khoản ngân hàng và tiền mặt, cho phép khách hàng dùng tài khoản viễn thông để thực hiện nhiều giao dịch khác nhau như: Thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, chuyển tiền, nạp/rút tiền trực tiếp tại hệ thống cửa hàng, điểm giao dịch rộng khắp trên toàn quốc… mà không yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng, không yêu cầu phải sử dụng smartphone, không cần kết nối Internet.
Đại diện Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép thí điểm Mobile Money cho MobiFone và VNPT. Như vậy, trong 3 đơn vị triển khai hoạt động Mobile Money, hiện chỉ còn Viettel là chưa được cấp phép.
Trước đó, ngày 9/3, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho triển khai thí điểm Mobile Money. Thời gian thí điểm dịch vụ này là 2 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đầu tiên thực hiện thí điểm được chấp thuận triển khai.
Khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money phải có chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được doanh nghiệp thí điểm định danh, xác thực theo quy định. Thuê bao di động phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money.
Theo ông Dũng, nội dung chủ yếu của quyết định này thực hiện theo Quyết định 319 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện đã có hai đơn vị được cấp phép thí điểm dịch vụ Mobile Money. “Đơn vị còn lại đang chờ ý kiến đủ của các bộ, chắc đầu tuần tới là xong”, ông Dũng tiết lộ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho ba đơn vị đủ điều kiện gồm Viettel, VNPT và MobiFone. Thực tế, những năm gần đây, thanh toán điện tử đang ngày càng trở nên phổ biến, mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Hiện nay tỷ lệ người dân chưa được tiếp cận các dịch vụ tài chính còn rất cao (hơn 50%), hầu hết lại tập trung ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Do đó, Mobile Money với hơn 130 triệu thuê bao di động cộng thêm độ phủ sóng mạng di động lên tới 99,8% số dân khi triển khai hoàn toàn có thể vươn đến các địa bàn trên.
Theo thống kê của Cục Viễn thông, tính đến hết năm 2020, Việt Nam có 132,5 triệu thuê bao di động đang hoạt động. Như vậy, số lượng tài khoản sử dụng dịch vụ Mobile Money có thể lên đến hàng chục triệu khi được triển khai. Đây thực sự là một “mảnh đất màu mỡ” mới cho các doanh nghiệp viễn thông trong tương lai gần.
Triển khai thí điểm Mobile Money, các đơn vị viễn thông sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức. Trong đó, bảo mật, quản trị rủi ro và định danh khách hàng được xác định là những vấn đề cần đặc biệt chú trọng để xử lý, hoàn thiện.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)