Đã 1 năm trôi qua sau thời điểm thị trường bất động sản suy giảm sâu, với nỗ lực của tất cả các bên, từ Chính phủ đến doanh nghiệp, đến nay dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng thị trường đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại.
Ghi nhận thực tế cho thấy, trong nỗ lực vượt thách thức, các chủ đầu tư đang tập trung nhiều hơn vào chính sách dành cho khách hàng và người làm môi giới. Để đẩy mạnh chương trình gom đặt chỗ (booking), gom khách hàng, nhiều chủ đầu tư đã giảm số tiền nhận giữ chỗ có hoàn lại, nhằm thu hút sự quan tâm và tạo thuận lợi cho khách hàng mua sản phẩm của các dự án.
Nếu như trước đây, tiền booking thường khoảng 50 – 100 triệu đồng/sản phẩm, thì hiện nay giảm còn 20-30 triệu đồng/sản phẩm. Đơn cử, dự án Bcons Polaris tại Bình Dương, mức booking đã giảm từ 30 triệu đồng xuống 20 triệu đồng/sản phẩm; Dự án Bcons City cũng giảm từ 30 triệu đồng xuống 10 triệu đồng/sản phẩm; MT Eastmark giảm từ 50 triệu đồng xuống 30 triệu đồng/sản phẩm; Vinhomes Grand Park giảm từ 50 triệu đồng xuống còn 30 triệu đồng/sản phẩm…
Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư tăng phí môi giới cho đại lý, tăng thưởng nóng cho nhân viên kinh doanh như Dự án The Rivana (tăng thưởng từ 10 triệu đồng lên 25 triệu đồng/sản phẩm); Bcons Polaris (tăng thưởng 5-8 triệu đồng lên 10 – 15 triệu đồng/sản phẩm); Royal River City (tăng thưởng thêm 3 chỉ vàng, trị giá 19,8 triệu đồng/sản phẩm)…
Khác với giai đoạn trước, đến cuối quý III/2023, thị trường không còn ghi nhận việc các sản phẩm bất động sản chào bán mới bị cắt giảm giá sâu. Thậm chí, giá bán hàng sơ cấp đã bắt đầu tăng nhẹ 2-5%.
Thông tin tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2023, ông Đậu Minh Thanh, Chánh văn phòng Bộ Xây dựng cho biết, mức độ quan tâm đến phân khúc chung cư đã có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu tìm mua chung cư tăng 1% và tìm thuê tăng 6% so với quý trước. Trong đó, các căn hộ có giá từ 2 đến 4 tỷ đồng được tìm kiếm nhiều nhất.
Theo ông Thanh, tại các thành phố lớn, phân khúc chung cư, nhà ở giá dưới 10 tỷ đồng ở khu vực lõi trung tâm có thanh khoản cao. “Chung cư cũng là loại hình bất động sản ít bị ảnh hưởng bởi các tác động tiêu cực của thị trường trong năm qua, do đây là loại hình phục vụ nhu cầu ở thực”, ông Thanh nói.
Hiện tại Hà Nội, trên thị trường sơ cấp, mức giá bán trung bình của các căn hộ mở bán mới tăng gần 7% theo quý, 14% theo năm và đạt khoảng 50,8 triệu đồng/m2. Trên thị trường thứ cấp, giá bán trung bình vẫn duy trì đà tăng từ quý trước, đạt khoảng 32 triệu đồng/m2, tăng 2,7% theo quý và 0,8% theo năm. Tất cả các quận trên địa bàn Hà Nội đều ghi nhận giá bán thứ cấp tăng so với quý II, trong đó, Đống Đa, Thanh Xuân, Tây Hồ, Nam Từ Liêm và Gia Lâm tăng trên 3%.
Còn tại TP.HCM, số lượng căn hộ mở bán mới đa phần đến từ giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu. Giá bán sơ cấp đạt hơn 60 triệu đồng/m2. Trên thị trường thứ cấp, giá trung bình đạt 45 triệu đồng/m2, tăng 3% so với quý trước. Mức tăng chủ yếu ở phân khúc cao cấp và trung cấp, đặc biệt đối với các dự án kề cận trung tâm như quận Bình Thạnh, TP. Thủ Đức.
Đứng trước câu hỏi khách hàng có ý định mua bất động sản khi lãi suất đã giảm hay không, 26% số người được hỏi chọn đáp án “có”, 43% người được hỏi đang phân vân “chưa chắc chắn’’, chỉ có 31% phản hồi “không”. Điều này cho thấy, khi lãi suất giảm, niềm tin thị trường cũng dần dần quay trở lại và quyết tâm xuống tiền mua bất động sản khi lãi suất giảm cũng đang được cải thiện.
Tổng Hợp
(ĐTCK)