Mức độ hoạt động tín dụng đen đã giảm đáng kể nhưng diễn biến thực trạng vẫn phức tạp. Riêng với hoạt động cho vay nặng lãi, lực lượng cảnh sát hình sự đã truy quét hơn 300 vụ án và xử lý hơn 600 đối tượng. Nhưng đến gần cuối năm thị trường tín dụng đen lại nổi lên…
Ngày 16.12, thiếu tướng Trần Ngọc Hà cho biết thông qua các vụ án đã triệt phá cho thấy tín dụng đen diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là trong và sau dịch Covid-19. Hai hình thức phổ biến là cho vay thông qua ứng dụng (app) và trá hình bằng việc mua bán, cầm cố tài sản. Ông Trần Ngọc Hà cũng cho biết trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm dịp Tết Nhâm Dần 2022 (từ ngày 15.12), Bộ Công an cũng quán triệt công an các đơn vị, địa phương tiếp tục đấu tranh quyết liệt với tội phạm, đặc biệt là tín dụng đen.
Các nhóm trên hoạt động tín dụng đen bằng hình thức cho cá nhân, doanh nghiệp vay với lãi suất từ 3.000 – 8.000 đồng/1 triệu/ngày, cho người vay cầm cố tài sản (xe máy, ô tô…) để vay với lãi suất 2.000 – 4.000 đồng/1 triệu/ngày. Đến thời điểm bị triệt phá, có hàng ngàn người trên khắp cả nước đã vay của các cơ sở trên với số tiền hơn 500 tỉ đồng. Trường hợp người vay không trả lãi theo đúng yêu cầu hoặc thanh toán không đúng hẹn, các nhóm này dùng nhiều thủ đoạn để đe dọa, uy hiếp.
Trong tháng 12, Cục Cảnh sát hình sự (C02), Bộ Công an triệt phá đường dây cho vay nặng lãi trên địa bàn TP.HCM do Đào Xuân Thắng (31 tuổi, trú H.Nhà Bè, TP.HCM) cầm đầu. Thắng có 2 tiền án về tội “cố ý gây thương tích” và “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Theo điều tra, đường dây này hoạt động từ hồi tháng 5.2020 do Thắng cùng một số chân rết có gốc Hải Phòng vào Nam “lập nghiệp” bằng hình thức cho vay nặng lãi, mở các đường dây tín dụng đen. Qua điều tra, đường dây tín dụng đen của Thắng lấy lãi khủng từ 300% đến hơn 1.000%/năm.
Đầu tháng 12.2021, Công an Q.Bình Thạnh (TP.HCM) vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Đỗ Đường Minh Tâm (biệt danh Tâm Ken, 50 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) liên quan đến băng nhóm cho vay nặng lãi chuyên nghiệp trên địa bàn để điều tra về hành vi “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Trước đó, cơ quan công an đã khởi tố 13 người khác liên quan đến đường dây này. Theo điều tra, Tâm có quan hệ tình cảm với chị Đ.T.T.L (ngụ Q.Bình Thạnh) từ năm 2019. Khi biết chị L. làm dịch vụ “đáo hạn ngân hàng”, Tâm gợi ý cho người tình vay lấy lãi. Để mở rộng làm ăn, Tâm móc nối thêm nhiều nhóm cho vay nặng lãi khác để bơm tiền cho người tình đáo hạn ngân hàng với nhiều gói khác nhau. Với kiểu vay đáo hạn, Tâm cho L. vay lãi suất từ 0,5 – 2,5%/ngày và 18%/tháng, mức lãi suất được thỏa thuận theo từng gói vay và thời điểm vay. Đến đầu năm 2020, do công việc không thuận lợi, L. không còn khả năng chi trả gốc lẫn lãi nên Tâm chấm dứt quan hệ tình cảm và thúc ép L. trả nợ. Thậm chí, Tâm cùng đồng bọn còn kéo đến nhà của cha mẹ L. tại Q.Bình Thạnh uy hiếp, buộc trả nợ thay bằng cách bán nhà với tổng số tiền 169 tỉ đồng, trong đó 34 tỉ đồng là tiền lãi.
Tại Tây Ninh, ngày 16.12, Cơ quan CSĐT Công an H.Tân Châu cho biết đang củng cố hồ sơ điều tra làm rõ hành vi cho vay lãi nặng của Trương Văn Tùng (55 tuổi, ngụ xã Tân Hội, H.Tân Châu). Khai nhận với cơ quan công an, Tùng khai từ tháng 10.2020, cùng với Thạch (chưa xác định lai lịch) tổ chức cho vay tiền trả góp với lãi suất cao. Đối tượng mà Tùng nhắm đến cho vay, chủ yếu là công nhân trong cụm khu công nghiệp Tân Hội (H.Tân Châu). Khi người có nhu cầu đến gặp Tùng vay tiền (lãi suất từ 8 – 10%/tháng), phải thế chấp thẻ ATM, CCCD và sổ bảo hiểm xã hội. Đến ngày công ty trả lương, Tùng trực tiếp cầm thẻ đến các trụ ATM để rút tiền. Tính đến thời điểm bị phát hiện, Tùng đã cho nhiều công nhân vay trên 500 triệu đồng.
Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C02), Bộ Công an cho biết thực trạng cho vay nặng lãi đang xảy ra phổ biến trên cả nước. Nhiều tầng lớp nhân dân, từ công nhân, nông dân, thậm chí đến cả doanh nghiệp khó khăn về vốn cũng là nạn nhân của tội phạm cho vay nặng lãi.
Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)… Sau đó tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền với thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, thực chất khi người vay đã cầm tiền thì họ sẽ phải trả thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật; hoặc lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống; ép người đi vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay.
Một số hợp đồng vay tiền tuy số tiền vay nhỏ, thời gian vay ngắn nhưng lãi suất gấp nhiều lần định mức pháp luật cho phép. Các đối tượng hình sự hoạt động cho vay lãi nặng dưới hình thức hụi, họ nhắm đến một bộ phận tiểu thương, người kinh doanh nhỏ lẻ, thanh thiếu niên, các đối tượng cần tiền “vay nóng” phục vụ cho các nhu cầu bất chính, tiêu xài cá nhân…
Bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính… xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động tín dụng đen. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác. Khách hàng của các ứng dụng này chủ yếu là học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp, họ thường không để ý hoặc bỏ qua các thông tin quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt dẫn đến mức lãi suất phải trả cao hơn nhiều, thậm chí có người buộc phải vay của ứng dụng sau trả lãi cho ứng dụng trước.
Tổng Hợp