Bất động sản nghỉ dưỡng là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, trong khó khăn luôn xuất hiện những cơ hội lớn, thậm chí mang tính “đổi đời”.
Các cơ quan phụ trách mảng du lịch của nhiều thành phố cũng đã xúc tiến các kế hoạch quảng bá, tiếp tục dựa vào khách nội địa do tình hình dịch bệnh chưa thể đón khách quốc tế. Tuy nhiên, chỉ trông đợi vào nguồn khách du lịch trong nước là chưa đủ để vực dậy thị trường này trong ngắn và trung hạn.
Những nhà đầu tư sành sỏi cho biết, khó khăn hiện nay chỉ là ngắn hạn do tác động bên ngoài từ dịch bệnh, không xuất phát từ nội tại thị trường. Với những dự án bất động sản nghỉ dưỡng, chu kỳ đầu tư và khai thác dài lên tới hàng chục năm.
Thời điểm này các hoạt động triển khai phát triển dự án vẫn âm thầm diễn ra để đáp ứng nhu cầu của thị trường nói chung đối với loại tài sản này, vừa có khả năng gia tăng thu nhập lại bảo toàn nguồn vốn tương đối tốt bất chấp nhiều giai đoạn kinh tế biến động.
Ngành du lịch Việt Nam đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hiện đóng góp khoảng 9,2% GDP và có thể lên đến 12 – 14% GDP vào 2025 như chiến lược phát triển du lịch mà Thủ tướng đã ban hành hồi đầu năm 2020. Những khó khăn trong năm 2020 chỉ mang tính tạm thời.
Thị trường BĐS sẽ có sự tăng trưởng ở tất cả các phân khúc. Trong đó, BĐS ven biển có những bước chuyển mình đáng kể, thu hút mạnh dòng vốn mới đổ về Quảng Ninh, Bình Định, Quảng Bình, Phú Quốc… Tâm điểm vẫn sẽ tập trung chủ yếu ở các dự án xây dựng trên quy mô lớn của thương hiệu uy tín.
Các bộ ngành và chính quyền địa phương đang thay đổi, điều tiết để cung cầu hợp lý hơn, có tính quy hoạch cao hơn, hạ tầng tiếp tục được chú trọng phát triển thông qua hoạt động đầu tư công – một trong những động lực chính nhằm phục hồi nền kinh tế.
Báo cáo thị trường tháng 1/2021 mới được DKRA công bố, nguồn cung nhà phố, shophouse biển hiện nay tập trung ở những dự án tổ hợp du lịch lớn với quy mô hàng trăm hecta được quy hoạch bài bản.
Mặc dù nguồn cung mới và sức cầu chỉ ở mức trung bình nhưng trong ngắn hạn, nguồn cung và cầu dự kiến sẽ tăng do nhiều dự án đang trong giai đoạn truyền thông, booking. Đơn cử như ở loại hình biệt thự biển, tỷ lệ tiêu thụ tháng 1 năm nay tăng 78% so với tháng 12/2020.
Nhận định về tương lai thị trường BĐS nghỉ dưỡng, giới chuyên gia đánh giá đây vẫn là phân khúc có tiềm năng lớn mà nhiều nhà đầu tư hướng đến trong dài hạn. Kể từ năm 2017 đến nay, số lượng người mua BĐS nghỉ dưỡng để đầu tư hay tận hưởng “ngôi nhà thứ 2” gia tăng đều đặn, dù có thời điểm thị trường biến động thì nhu cầu thực tế vẫn rất cao.
Đây là thị trường đầu tư dài hơi, bám theo lợi thế cạnh tranh cốt lõi của Việt Nam là phát triển du lịch. Về dài hạn, thị trường này rất tiềm năng, dư địa tăng trưởng lớn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam cần 1 – 2 năm để khôi phục và phát triển.
Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn trong nửa đầu năm 2021. Tốc độ hồi phục của phân khúc này tùy thuộc vào sự hiệu quả của vắc xin Covid-19.