Trở lại với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, chính trong những thách thức của dịch bệnh, của tâm lý thị trường yếu sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có năng lực tài chính mua lại quỹ đất tốt để phát triển dự án, đón đầu sự phục hồi của thị trường.
Phát biểu khai mạc, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết, với lợi thế đặc biệt của một quốc gia có đường bờ biển dài hơn 3.260 km, kinh tế biển được xác định là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam.
Theo ông Lê Trọng Minh, năm 2019, Việt Nam đã đón hơn 18 triệu lượt du khách quốc tế và khoảng 85 triệu lượt khách nội địa; du lịch đóng góp khoảng 4 triệu việc làm và 32,8 tỷ USD cho nền kinh tế quốc dân, tương đương 9,2% GDP.
Dù từ tháng 3/2020 đến nay, toàn bộ hoạt động du lịch quốc tế bị ngưng trệ, nhưng theo đánh giá của hầu hết chuyên gia quốc tế, ngành du lịch Việt Nam sẽ phục hồi nhanh hơn các quốc gia khác nhờ vào yếu tố an toàn trong kỷ nguyên Covid-19, khoảng cách gần với các nguồn du khách lớn và đà tăng trưởng tốt trong quá khứ.
Tầng lớp trung lưu Việt Nam, theo dự báo đến năm 2025 có thể chiếm 25% dân số, tức khoảng 25 triệu người và ngày càng nhiều người trong số này có nhu cầu sở hữu một căn nhà thứ hai để nghỉ dưỡng và tích lũy tài sản. Nhu cầu này được khích lệ bởi hệ thống hạ tầng giao thông đường cao tốc, đường không… ngày càng phủ rộng, kéo gần khoảng cách giữa các đô thị truyền thống và đô thị biển.
Theo một số nghiên cứu mới đây, nhu cầu của du khách đối với các mô hình sản phẩm như resort cao cấp kết hợp chăm sóc sức khỏe, thẩm mỹ, khu nghỉ dưỡng phức hợp với trải nghiệm F&B độc đáo và nghỉ dưỡng cuối tuần không ngừng gia tăng. Đặc biệt, những địa điểm thuận tiện đường bay như Nha Trang, Cam Ranh, Bình Định hay thuận tiện tiếp cận bằng xe hơi như Hồ Tràm, Vũng Tàu, Phan Thiết… có ưu thế trở thành những địa điểm nghỉ dưỡng cuối tuần của đông đảo người dân.
Về nhu cầu đầu tư, người mua hiện nay không chỉ xem các sản phẩm bất động sản biển là sản phẩm đầu tư mà còn chú trọng về mục đích sử dụng như một sản phẩm nghỉ dưỡng.
Trong đó, không đơn thuần là một dự án khách sạn, nghỉ dưỡng như trước đây, đại đô thị biển bao gồm đa dạng loại hình bất động sản như biệt thự, shophouse, liền kề, chung cư, condotel và các tiện ích trường học, bệnh viện… có thể đảm bảo cho cả cộng đồng dân cư sinh sống.
Là đơn vị nghiên cứu thị trường, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Vietnam cũng chia sẻ, trong những năm 2018 – 2020, bất động sản biển phát triển ở những thị trường mới như Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận. Tuy nhiên, số lượng dự án chưa nhiều và quy mô còn nhỏ, đa số là dự án của những chủ đầu tư nhỏ.
Song, gần đây đã xuất hiện nhiều loại hình bất động sản mới và rất đa dạng, trong đó, chủ đầu tư nội địa chiếm ưu thế tuyệt đối. Một số chủ đầu tư lớn chiếm lĩnh thị trường như Vingroup, Sun Group, CEO Group, BIM Group, Novaland, FLC,… và thị trường bùng nổ nguồn cung, nhất là condotel. Điều này cho thấy sự lớn mạnh của thị trường và doanh nghiệp.
Dự báo về nguồn cung mới trong vòng 2 – 3 năm tới, ông Lâm cho rằng, các dự án có thể đưa ra hàng ngàn căn biệt thự biển (beach front villa) mỗi năm. Các loại hình sản phẩm mới như shophouse, townhouse… ngày càng được ưa chuộng khi quy mô các dự án đô thị dân cư ven biển mở rộng ngày càng lớn. Một phần lý do từ pháp lý sở hữu lâu dài, phần khác do bố trí quy hoạch rõ ràng và có tiềm năng thương mại. Với các dự án đang được quy hoạch và chuẩn bị, nguồn cung mới có thể cũng lên đến hàng ngàn căn mỗi năm.
“Mặc dù nguồn cung có thể lên đến hàng ngàn sản phẩm mỗi loại hình, tuy nhiên, còn phụ thuộc vào phản ứng của thị trường ra sao để các chủ đầu tư linh hoạt đưa sản phẩm ra thị trường”, ông Lâm nhấn mạnh.
Trình bày tham luận về vai trò của đô thị biển trong phát triển kinh tế biển, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, mục tiêu 2030 và tầm nhìn 2045 thì Việt Nam sẽ trở thành quốc gia biển mạnh, đóng góp 10% GDP.
Theo ông Tuấn, hiện tại Việt Nam có 19 Khu kinh tế biển với quy mô 47 – 48 % GDP của cả nước. Trong đó, GDP của kinh tế thuần biển chiếm 20 – 22% tổng GDP cả nước. Đóng góp các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm 98% kinh tế biển. Chủ yếu khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải, dịch vụ cảng biển, và một phần là du lịch. Chưa kể, đô thị hóa tại Việt Nam hiện nay vẫn chậm, trong khi đô thị hóa phải là động lực tăng trưởng trong thập niên tới.
“Cơ sở để chúng ta có niềm tin tăng trưởng là sự gia tăng nhanh của tầng lớp trung lưu. Tầng lớp trung lưu Việt Nam có khả năng đuổi kịp các nước mới công nghiệp hóa. Cụ thể, Việt Nam có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh thứ 2 thế giới trong thập kỷ qua”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Tầng lớp trung lưu Việt Nam, theo dự báo đến năm 2025 có thể chiếm 25% dân số, tức khoảng 25 triệu người và ngày càng nhiều người trong số này có nhu cầu sở hữu một căn nhà thứ hai để nghỉ dưỡng và tích lũy tài sản. Nhu cầu này được khích lệ bởi hệ thống hạ tầng giao thông đường cao tốc, đường không… ngày càng phủ rộng, kéo gần khoảng cách giữa các đô thị truyền thống và đô thị biển.
Do đó, triển vọng đưa các dự án về đích đúng tiến độ, đảm bảo hiệu quả vận hành, khai thác, sinh lời theo các giai đoạn của dự án là rất khả thi. Đó là những lý do khiến nhiều nhà quan sát thị trường bất động sản nhận định rằng, các sản phẩm đô thị biển phức hợp sẽ là một trong những phân khúc dẫn dắt xu hướng đầu tư trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh dòng tiền ngày càng trở nên rẻ hơn do lãi suất ngân hàng tiếp tục được ghìm cương ở mức thấp và các kênh đầu tư khác chưa chứng tỏ độ ổn định.