Các chuyên gia nhận định, việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn có nguyên nhân xuất phát từ cả hai phía: doanh nghiệp và ngân hàng.
Trong bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp phải chịu nhiều tác động nặng nề từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), trong 5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế mới chỉ ở mức 1,96% so với cuối năm 2019, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2019.
Điều này dẫn đến tình trạng nhu cầu vay vốn thấp, tăng trưởng tín dụng trở thành một trong những chỉ báo phản ánh thực tế và triển vọng phục hồi của nền kinh tế trong và sau đại dịch.
Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách để hỗ trợ về cả tiền tệ và tài khóa để doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01 nhằm hỗ trợ trực tiếp cho nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, thực tế đang tồn tại những khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp và những vướng mắc giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và ngân hàng.
“Vay vốn ngân hàng khó quá”
Tại Tọa đàm “Nối lại cung – cầu vốn, tiếp sức phục hồi” diễn ra vào sáng ngày 12/6, ông Bùi Ngọc Tường (Tập đoàn Đầu tư Nước sạch và Môi trường Hùng Thành) cho biết, doanh nghiệp của ông chưa từng có nợ xấu, nợ quá hạn tại các ngân hàng nhưng “vẫn thấy vay vốn ngân hàng khó quá”.
Hiện doanh nghiệp của ông Tường đang quản lý 22 nhà máy nước sạch trên khắp cả nước, thuộc nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, thuộc nhóm doanh nghiệp được ưu tiên.
“Vốn điều lệ của chúng tôi là 120 tỷ đồng trong khi lại đầu tư tới hơn 20 nhà máy nước nên nhu cầu vay vốn rất lớn. Tuy nhiên, để vay vốn, các ngân hàng đòi doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp, mà tài sản thế chấp đó phải thuộc về người sáng lập, không thể lấy tài sản của cán bộ nhân viên ra thế chấp được. Như vậy thì khó quá!”, ông Bùi Ngọc Tường bày tỏ.
Đại diện Tập đoàn Đầu tư Nước sạch và Môi trường Hùng Thành cho hay, các ngân hàng cũng không chấp nhận tài sản thế chấp là tài sản hình thành trong tương lai nên càng khiến cho cánh cửa vay vốn của doanh nghiệp thu hẹp lại.
“Mỗi tháng chúng tôi có khoảng 2 tỷ đồng chảy vào tài khoản tại Ngân hàng Nông nghiệp chi nhánh Long Biên, tuy nhiên, 10 năm nay chúng tôi vẫn chưa vay được đồng vốn nào tại đây”, Ông Tường nói.
Toàn cảnh Tọa đàm “Nối lại cung – cầu vốn, tiếp sức phục hồi”. Ảnh: Việt Tuấn
Cũng chia sẻ quan điểm từ phía doanh nghiệp, ông Dương Văn Dân, Giám đốc CTCP Bigsun Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ rất thiếu vốn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thêm nữa còn thiếu cả kinh nghiệm quản trị và tài sản đảm bảo.
Ông Dân đặt vấn đề, liệu ngân hàng có giải pháp gì để giãn nợ và nới lỏng điều kiện tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp khó khăn về vốn hay không, khi thực trạng là đến 90% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thiếu tài sản đảm bảo nên khi rơi vào khó khăn lại càng khó tiếp cận nguồn vốn. Bởi khi có nguồn tiền về, ngân hàng chỉ muốn thu lại khoản vay, chứ không muốn cho vay thêm.
Từ phía ngân hàng, bà Tạ Thị Tuệ Anh, Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam – Chi nhánh Hà Nội cho biết, thời gian qua, nhiều ngân hàng đã có chương trình giảm phí, giảm lãi cho ngân hàng, tuy nhiên cũng cần đến sự thông cảm của doanh nghiệp. Về khó khăn từ phía ngân hàng, bà Tuệ Anh phân trần: “Ở Việt Nam, doanh nghiệp giao dịch với quá nhiều ngân hàng, chính vì vậy, lý lịch tín dụng của họ vô cùng phức tạp. Muốn làm bạn, đồng hành với nhau, cần phải có sự tin tưởng dài hạn. Khi một doanh nghiệp hỏi vay vốn ngân hàng, nhưng khi đến thẩm định dự án, lại phát hiện ra doanh nghiệp cũng đang dùng tiền của ngân hàng khác, thành ra quá trình vay khá phức tạp”.
Bà Tuệ Anh cho biết, khi làm việc với doanh nghiệp, HSBC nhận thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam không chú trọng đầu tư về công nghệ, quản lý và thanh toán mà thực tế, nếu làm tốt những việc này, doanh nghiệp sẽ có thể giảm bớt nhu cầu vay vốn.
Còn ông Vũ Tuấn Anh, Quyền Giám đốc khối Ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cho rằng, ngân hàng hiểu rằng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc tiếp cận nguồn vốn là khá khó khăn và nguyên nhân xuất phát từ cả hai phía: doanh nghiệp và ngân hàng. Về phía doanh nghiệp, các thông tin về thị trường, công nghệ, quản trị có hạn chế nhất định còn về phía ngân hàng, thủ tục đôi khi còn rườm rà.
Tuy nhiên trên tinh thần thấu hiểu và chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp, SHB cũng đã triển khai rất nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua như: gói tín dụng 25 nghìn tỷ với lãi suất giảm 2% so với thông thường; cơ cấu nợ, miễn giảm lãi với các khách hàng đáp ứng đủ điều kiện tại Thông tư 01; miễn giảm các phí giao dịch như phí giao dịch online, giao dịch liên ngân hàng…
Tăng thêm kênh huy động vốn cho doanh nghiệp
Nhận định về mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành nhận định, ngân hàng chắc chắn cần người gửi tiền, cần doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp có nhiều cách huy động vốn. Ở Việt Nam, tình hình tài chính đang do hệ thống ngân hàng chi phối. Vậy nên doanh nghiệp cần ngân hàng và ngân hàng cần doanh nghiệp.
Khi chưa có Covid-19, mọi chuyện cũng không hề đơn giản, quan hệ ấy có thể là cùng thắng, cũng có thể là một bên thua một bên thắng và thậm tệ nhất là hai bên cùng thua.
Khi dịch Covid-19 xảy đến, chuỗi cung ứng khó khăn, thu nhập suy giảm, cơ hội làm ăn không còn nhiều như bình thường. Về phía ngân hàng, tiền có thể có nhưng lo nợ xấu. Ban đầu, VAMC dự tính sẽ hoàn thành trong 5 năm, tuy nhiên cho đến giờ 8 năm, gần 10 năm rồi vẫn chưa giải quyết xong.
“Giờ đây nếu cục nợ xấu bùng phát, không nhẽ lại 10 năm nữa. Trong bối cảnh hiện tại, cần phải rất quyết liệt và nhanh. Giải pháp vừa rồi của Chính phủ có thể chưa hoàn hảo nhưng cần nhất là phải làm nhanh”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành
TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp – Ban Kinh tế Trung ương đồng tình rằng, chính sách của Việt Nam trong thời gian qua đã phản ứng rất nhanh, tuy nhiên ông cũng thừa nhận một thực tế là dù muốn nhanh nhưng cũng không thể bỏ qua hệ thống pháp luật.
Nêu lên những khó khăn của ngành ngân hàng, ông Tú Anh cho biết: “Thực tế, thanh khoản hệ thống ngân hàng không thiếu. Vấn đề của doanh nghiệp là thiếu thị trường, cầu thấp quá, nên việc hạ lãi suất hay việc đẩy tín dụng ra, cái nào quan trọng hơn?
Lãi suất liên ngân hàng hồi tháng 3 quanh ngưỡng 3,8%, đến hiện nay chỉ hơn 1%, trên 100.000 tỷ đồng đã được đưa ra thị trường qua tín phiếu, điều đó chứng tỏ thanh khoản rất dồi dào. Bản thân các ngân hàng cũng muốn cho vay chứ, nhưng quan trọng là họ phải thu lại được tiền”.
Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp khó vay vốn còn do các ngân hàng phải nâng chuẩn tín dụng lên trong chiến lược của mình. “Việt Nam đang chuẩn bị áp dụng chuẩn Basel II, ngân hàng rất muốn cho vay nhưng do cần tiến tới nâng chuẩn nên điều kiện cho vay phải khắt khe hơn”, ông Tú Anh thông tin.
Do đó, để giải quyết vấn đề nguồn vốn cho doanh nghiệp, TS. Võ Trí Thành cho rằng, nguồn tiền vô hạn không phải đến từ vốn ngân hàng mà cách huy động vốn lớn nhất là từ cổ phần hóa.
“Doanh nghiệp vừa và nhỏ đứng trước lựa chọn hoặc là duy trì theo kiểu doanh nghiệp gia đình, hoặc cổ phần hóa để mở ra một bầu trời huy động vốn vô tận. Chính thị trường vốn sẽ giúp giải quyết bài toán huy động vốn dài hạn. Không phải ngẫu nhiên mà Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng. Vốn dài hạn phải là từ trái phiếu, là vốn cổ phần”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Trường Giang, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh và Xây dựng GMA Việt Nam cho rằng, cần căn chỉnh pháp lý để doanh nghiệp tiếp cận vốn được dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, chính doanh nghiệp cũng phải nỗ lực để duy trì niềm tin với ngân hàng. “Ngoài nguồn vốn ngân hàng, chúng tôi cũng nghĩ đến hướng cổ phần doanh nghiệp để tăng thêm kênh huy động vốn cho doanh nghiệp”, ông Giang bổ sung.
Mai Lâm