Nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội đang rất khan hiếm. Cung – cầu lệch pha trầm trọng.
Không phải ngẫu nhiên các báo cáo gần đây về thị trường nhà ở của nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường như Savills, CBRE, JLL…, hay các hiệp hội như Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) liên tục đề cập tới “cơn khát” nhà ở giá rẻ và trung bình vào thời điểm này.
Để kích thích thanh khoản, nhiều chủ đầu tư đã tung ra nhiều chương trình ưu đãi bán hàng theo kiểu chiết khấu thẳng 30-40% vào giá bán cho người mua nhà nếu trả trước 90-95% giá trị căn hộ. Dẫu vậy, trên thực tế, giá trị căn hộ sau chiết khấu vẫn ở mức cao so với thu nhập của đại bộ phận người dân, vào khoảng 30-35 triệu đồng/m2. Tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản cho biết, lý do giá nhà không thể giảm nhiều là bởi các chi phí đầu vào phát triển dự án như chi phí đất, nguyên vật liệu xây dựng, nhân công, lãi vay… đều tăng cao.
Mua nhà là mục tiêu lớn của hầu hết lao động khi làm việc ở thành phố lớn. Tuy nhiên, mong muốn này khó trở thành hiện thực nếu nguồn cung hạn hẹp, nhất là khi quỹ đất sạch nội đô ngày một khan hiếm. Đây cũng là lý do khiến nhiều nhà phát triển bất động sản không mặn mà làm nhà giá rẻ, cho dù nhu cầu rất lớn.
Báo cáo của Reputa mới đây cho thấy, các nội dung “Tìm kiếm, hỏi thông tin (bao gồm giá, địa điểm, giấy tờ pháp lý) và dịch vụ mua/thuê/đầu tư bất động sản” được quan tâm nhiều nhất của nhóm người mua, chiếm lần lượt là 74% và 25% tổng nội dung thảo luận của người dân về thị trường. Tại nhóm hành vi chính của nhóm người bán, các nội dung liên quan đến dẫn khách đi thực tế được trao đổi nhiều nhất, chiếm hơn 48% tổng nội dung thảo luận.
Mặc dù thống kê trên chỉ mang tính tham khảo, nhưng cũng phần nào cho thấy mức độ quan tâm tới nhà ở của người dân tăng lên rất cao sau các thông tin rầm rộ về việc phát triển các dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là bao giờ những dự án này chính thức được triển khai và đưa sản phẩm ra thị trường?
Thời gian qua, một loạt doanh nghiệp bất động sản như Vinhomes, Hòa Bình, Becamex IDC, Viglacera, Nam Long, HUD, Địa ốc Sài Gòn, TTC Land, Hoàng Quân, Apec Group, Hoàng Phúc… công bố kế hoạch phát triển các dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội trong năm nay, nhưng hiện hầu hết vẫn… nằm trên giấy.
Theo các chuyên gia, chủ trương đã có, nhưng vấn đề là các chính sách ưu đãi đối với dự án nhà ở thương mại giá thấp chưa được quy định trong các luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Thuế…, trong khi Nghị quyết của Chính phủ không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên khiến các địa phương gặp khó khăn khi thực hiện.
Là một trong những người chắp bút cho nghị quyết này, ông Vũ Văn Phấn, nguyên Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng từng nhấn mạnh, phương án Nghị quyết đưa ra chỉ là một phần, nếu muốn xây dựng một cơ chế ưu đãi riêng liên quan đến thuế và một số khung hạ tầng chính sách có thể áp dụng thì nhất thiết phải sửa đổi hoặc bổ sung vào các Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai.
Tổng Hợp
(ĐTCK)