Đưa ý kiến về việc đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm, ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết, hiện nay Cục Thuế đang chịu áp lực từ Trung ương về việc xem xét khả năng tài chính của các doanh nghiệp tham gia đấu giá đất Thủ Thiêm.
Chiều 4/3, UBND TP.HCM đã tổ chức họp về tình hình kinh tế – văn hoá – xã hội, quốc phòng – an ninh và thu chi ngân sách tháng 2, 2 tháng đầu năm 2022 và triển khai nhiệm vụ tháng 3/2022.
“Hiện Cục Thuế TP.HCM đang áp dụng các giải pháp, trong đó thành phố cần gặp gỡ các doanh nghiệp để đối thoại nhằm thực thi việc đấu giá. Thời gian tới, Cục Thuế cùng các đơn vị có liên quan sẽ gửi thư đôn đốc nếu việc trễ hẹn dưới 90 ngày. Trong trường hợp các doanh nghiệp trễ hẹn nộp tiền trên 90 ngày thì buộc phải đưa ra các biện pháp cưỡng chế được áp dụng từng bước, từng cấp độ. Biện pháp cao nhất là đề nghị không thực hiện dự án, đề nghị thu hồi dự án”, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho hay.
Liên quan đến việc đấu giá đất tại Thủ Thiêm, trước đó, ngày 10/12/2021, Trung tâm bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp TP.HCM đã tổ chức bán đấu giá bốn lô đất thuộc khu chức năng số 3 (khu dân cư phía bắc), khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức, TP.HCM.
Sau đó, Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt và Công ty TNHH đầu tư phát triển và thương mại Bình Minh đã xin bỏ cọc. Cụ thể, ngày 28/1, Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt trúng đấu giá lô đất 3-12 (diện tích 10.059,7m2) với giá trúng là 24.500 tỷ đồng đã có văn bản chính thức xin không tiếp tục thực hiện dự án, bỏ cọc.
Đến ngày 8/2, Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh thương mại Bình Minh cũng có văn bản xin không tiếp tục thực hiện dự án ở lô đất 3-9 (diện tích 5.009,1m2) đã trúng đấu giá với 5.026 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc bỏ cọc.
Trong khi đó, hai doanh nghiệp là Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega đến nay vẫn chưa nộp tiền sử dụng đất. Hai doanh nghiệp này lần lượt trúng thầu lô đất số 3-5 và lô đất số 3-8, phải đóng tiền sử dụng đất lần lượt là 3.820 tỷ đồng và 4.000 tỷ đồng.
Quốc hội đã ban hành nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hôi và phát triển kinh tế – xã hội trong năm 2022 đã góp phần tạo điêu kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Kết quả thu ngân sách đạt trên 22% so với dự toán, trong đó, một số khoản thu đã đạt trên 25% dự toán và tăng hon so với cùng kỳ.
“Ước tính tổng thu ngân sách nhà nước (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính) thực hiện là 88.044,567 tỷ đồng, đạt 22,78% dự toán năm và tăng 14,85% so với cùng kỳ. Bao gồm, thu nội địa đạt 25,75% dự toán, tăng 19,07% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 15,88% dự toán, tăng 1,35% so với cùng kỳ”, bà Hà cho hay
Ngoài ra, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cũng cho biết, tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) ước thực hiện 5.787,566 tỷ đồng, đạt 5,81% dự toán, giảm 39,62% so với cùng kỳ. Trong đó, chi thường xuyên ước đạt 11,82% dự toán, tăng 1,80% so với cùng kỳ.
Tổng Hợp