Liên quan đến việc hàng loạt cửa hàng xăng dầu ở TP. Hồ Chí Minh tái diễn tình trạng đóng cửa, thông báo hết hàng hôm 1/11 (có xảy ra cục bộ ở Hà Nội), chiều muộn 2/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với đại diện các doanh nghiệp đầu mối, sản xuất, kinh doanh xăng dầu thuộc Nhà nước để bàn cách tháo gỡ. “Cú sốc” xăng dầu bộc lộ khiếm khuyết trong quy định hiện hành…
Bộ trưởng nói rằng “cú sốc vừa rồi đã bộc lộ những khiếm khuyết trong quy định hiện hành của chúng ta” và yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ cũng như các Bộ, ngành, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương xem xét, xử lý các doanh nghiệp này theo quy định của pháp luật.
“Chúng ta phải công bằng với nhau, nếu không công bằng thì không thể chấp nhận được. Quyền lợi thì doanh nghiệp hưởng nhưng không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình là không được”, Bộ trưởng nói.
Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng nói rằng, thời gian qua xuất hiện một số doanh nghiệp thoái thác trách nhiệm của mình trong nhiệm vụ nhập khẩu xăng dầu mà Bộ đã phân giao.
Bộ trưởng kêu gọi, đây cũng là thời điểm doanh nghiệp nhà nước thể hiện vai trò của mình, từ doanh nghiệp sản xuất đến doanh nghiệp đầu mối đều phải nỗ lực hết mình để đạt và vượt xa sản lượng đã cam kết, càng nhanh càng tốt.
Các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu, phân phối xăng dầu phải khẳng định ngoài việc cung ứng đầy đủ xăng dầu cho thương nhân phân phối, đại lý của mình còn phải vươn ra các thị trường đang thiếu hụt cục bộ.
“Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này và cũng là cơ sở để sàng lọc lại doanh nghiệp đầu mối, sau đó là sàng lọc thương nhân phân phối và làm rõ trách nhiệm của ai, đơn vị nào”, Bộ trưởng nói.
Nói về nguyên nhân xảy ra khan hiếm xăng dầu, người đứng đầu ngành công thương nói rằng ông đã có giải trình trước Quốc hội cả lý do khách quan lẫn chủ quan. Cho đến giờ, tỉ giá vẫn tiếp tục biến động, sức hút nguồn xăng dầu vào địa bàn châu Âu ngày càng gay gắt. Trong khi đó, xăng dầu trong nước vẫn phải lệ thuộc vào thị trường thế giới do nhập 20% xăng dầu thành phẩm và nhập khoảng 50% dầu thô (xăng dầu nguyên liệu) cho quá trình hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Bình Sơn sản xuất 80% nguồn cung còn lại.
“Tính ra Việt Nam vẫn đang phải nhập trên dưới 70% xăng dầu nguyên liệu và xăng dầu thành phẩm, chỉ có 30% là chủ động nguồn cung trong nước từ dầu thô đến xăng dầu thành phẩm”, Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng cũng thông tin, đến thời điểm này, trong số 36 doanh nghiệp đầu mối thì chỉ có 22 doanh nghiệp đạt và vượt kế hoạch phân giao, còn 14 doanh nghiệp (hầu hết là các doanh nghiệp đầu mối tư nhân) chưa hoặc không thực hiện kế hoạch phân giao.
Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), ông Đào Nam Hải nhấn mạnh, trong bối cảnh Chính phủ và các Bộ ngành vào cuộc quyết liệt để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, Petrolimex đã nghiêm túc triển khai, thực hiện các chỉ đạo, thậm chí chấp nhận “thiệt thòi” về hiệu quả kinh tế khi phải mua hàng với giá cao để đảm bảo nguồn..
“Sản lượng Bộ Công Thương phân giao cho Petrolimex trong quý IV/2022 là 2,145 triệu m3/tấn, bình quân 715 nghìn m3/tháng. Riêng tháng 10, Tập đoàn đã tạo nguồn và xuất bán 879 nghìn m3/tấn. Tháng 11 đã lên kế hoạch tạo nguồn tháng cao nhất trong lịch sử Tập đoàn là 1,156 triệu m3/tấn, tương đương 140% kế hoạch được giao. Tháng 12 đặt mục tiêu tạo nguồn khoảng 1 triệu m3/tấn”, ông Hải thông tin.
Trong tháng 10, sản lượng bán của Công ty Xăng dầu Khu vực II đã tăng mạnh 38% so với bình quân 9 tháng đầu năm, có những ngày lượng xuất bán tăng tới 2,4 lần so với ngày thường. Thị phần của Tập đoàn tại TP.HCM vốn đạt 22% và 25-35% tại các tỉnh phía Nam, nhưng đã chạm mức 40-45% vào giai đoạn “nóng” nhất về nguồn cung.
Tuy vậy, lãnh đạo Petrolimex cho rằng: “Sức chống chịu của doanh nghiệp cũng chỉ có giới hạn, những giải pháp đã thực hiện chỉ mang tính ngắn hạn, tình thế, cần có các giải pháp mang tính lâu dài, căn cơ hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang tồn tại”.
Bên hành lang Quốc hội chiều 2/11, trao đổi với PV, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nhận định, vấn đề cốt yếu của “cơn sốt” xăng dầu là cơ quan quản lý nhà nước về xăng dầu chưa bắt trúng bệnh, chưa nắm sát tình hình, căn nguyên cơ bản của thị trường.
Ông Lâm cho rằng cần có sự điều tra, đánh giá lại một cách tổng thể để xác định số liệu báo cáo nguồn cung với nhu cầu thực tế của thị trường, từ đó có các biện pháp kinh tế để đảm bảo nguồn cung.
“Giá dầu thô thế giới đang ở mức hài hoà, không phải quá cao, song lại để xảy ra hiện tượng đứt gãy nguồn cung một cách bất thường như vậy thì phải xem xét, làm rõ lý do”, ông Lâm nói và cho rằng, trách nhiệm cuối cùng vẫn phải là của cơ quan quản lý nhà nước, đề xuất của Bộ Tài chính về việc giao cho Bộ Công Thương quản lý tất cả về mặt xăng dầu là hợp lý, cũng như việc giao cho Bộ Y tế quản lý giá thuốc.
Tổng Hợp