Ban Tổng giám đốc Coteccons (CTD) vừa thông qua Nghị quyết không ký hợp đồng mới hoặc dừng hợp đồng hiện hữu với một loạt nhà thầu phụ, nhà cung cấp chủ cũ gồm Newtecons, SOL E&C, Ricons… Nguyên nhân Coteccons đưa ra do những đơn vị này đang mâu thuẫn lợi ích và là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Coteccons cũng như công ty con là Unicons.
Danh sách này gồm 9 đơn vị; bao gồm Ricons, Newtecons, công ty vật liệu và giải pháp SOL, BM Windows, Boho Descor, DCons, công ty TNHH Cơ khí – thương mại – đầu tư An Gia Minh và 2 chi nhánh tại Bình Dương, Hưng Yên.
Phía Coteccons nói thêm, việc dừng hợp đồng hiện hữu được áp dụng nếu không ảnh hưởng tiến độ, giảm khối lượng công việc của những hợp đồng hiện hữu nếu không ảnh hưởng đến các hoạt động hiện tại. Nhà thầu chỉ định sẽ được thực hiện theo các điều kiện đã được thỏa thuận với chủ đầu tư. Động thái này diễn ra gần 1 năm sau khi Kusto chính thức nắm quyền kiểm soát tại Coteccons, và bộ sậu cũ dưới trướng ông Nguyễn Bá Dương rút khỏi Công ty. Đáng chú ý, danh sách không ký hợp đồng mới của Coteccons hầu hết là các đơn vị liên quan đến chủ cũ là ông Nguyễn Bá Dương.
Trong đó, từ sau Cotecons thuộc về tay Kusto, Newtecons lần lượt thế chân Coteccons làm nhà thầu tại loạt dự án lớn của Masterise từ khu Ba Son đến Spirit of Saigon. Ngoài ra, Newteccons cũng liên tục trúng thầu các dự án lớn từ đầu năm đến nay, bất chấp đại dịch Covid-19. Kể tên gồm dự án Grand Marina, Saigon; Asiana Đà Nẵng; M – Garden City Danang; KCN RBF Ho Nai – Dong Nai; Mizuki Park… Mặt khác, là đơn vị mới trong lĩnh vực thầu, SOL E&C hiện do ông Nguyễn Bá Dương chính thức giữ vai trò Chủ tịch sáng lập và tăng trưởng nhanh. Đơn vị này được tách ra từ khối thi công chống thấm thuộc F.D.C (tiền thân Newtecons) với tên gọi ban đầu là S.M.A.R.T.
Năm 2020, SOL E&C ghi nhận giá trị hợp đồng ký kết hơn 2.000 tỷ đồng. Sang năm 2021, theo ông Dương, với những tiền đề đạt được trong năm qua, SOL E&C đặt mục tiêu doanh thu năm 2021 hơn 2.000 tỷ: Đây cũng được xem là bước đi đột phá trong năm mới của Công ty.
Xây dựng Coteccons đã công bố BCTC hợp nhất quý 2/2021 với doanh thu 2.550 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ. Khấu trừ giá vốn, Công ty thu về 135 tỷ lãi gộp, chỉ bằng phân nửa quý 2/2020. Biên lãi gộp cũng giảm mạnh, từ mức 6,1% xuống còn 5,2% (quý 2/2021). Về hoạt động tài chính, doanh thu giảm đáng kể. Ngược lại, CTD sau khi về với Kusto bắt đầu sử dụng đòn bẩy tài chính, theo đó phát sinh chi phí lãi vay 173 triệu đồng.
Đặc biệt, chi phí quản lý tiếp tục ghi nhận tăng đột biến, từ mức 70,7 tỷ lên 122 tỷ đồng: đây cũng là điểm giới phân tích bỏ ngỏ dấu hiệu bất thường trong những đợt báo cáo gần đây. Theo giải trình của CTD tại quý 1, chi phí quản lý tăng do Công ty thực hiện trích trước chi phí phải trả cho cán bộ nhân viên thay vì ghi nhận chi phí theo thực tế thời điểm phát sinh so với trước đây. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, CTD đạt 5.119 tỷ doanh thu, giảm 32% và LNST 99 tỷ đồng, giảm 65%. So với kế hoạch đề ra là 17.431 tỷ doanh thu và 340 tỷ LNTT, nửa đầu năm CTD chỉ mới thực hiện được 29% chỉ tiêu doanh thu và gần 38% chỉ tiêu lợi nhuận.
Chính thức nắm quyền kiểm soát tại CTD từ tháng 10/2020, và lần lượt thay máu dàn lãnh đạo cấp cao, CTD sau gần 1 năm Kusto “nắm cán” thực sự chưa cho thấy sự đột phá, ngược lại lợi nhuận liên tục giảm mạnh. Dù rằng, ban lãnh đạo liên tục nhấn mạnh về định hướng tái cấu trúc kinh doanh, nắm bắt xu thế mới giảm tỷ trọng ngành xây dựng cũng như phát triển CTD đa ngành.
Nhật Hạ