Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã chứng khoán: HNG) vừa công bố thông tin dự kiến chuyển nhượng cổ phiếu thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG). Công ty bầu Đức đối diện án hủy niêm yết, bị ngân hàng bán cổ phiếu thu nợ
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 công bố hồi cuối tháng 1, dư nợ vay ngân hàng hiện tại của Hoàng Anh Gia Lai dù đã giảm mạnh so với trước nhưng vẫn còn rất cao, lên tới gần 8.300 tỷ đồng. Trong đó, vay ngắn hạn chiếm gần 2.500 tỷ đồng, còn lại gần 5.800 tỷ đồng là vay dài hạn. Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức nhiều lần khẳng định với cổ đông trả hết nợ ngân hàng là ưu tiên hàng đầu với cá nhân ông nói riêng và công ty nói chung.
Năm vừa qua, Hoàng Anh Gia Lai đạt doanh thu 2.108 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, công ty của bầu Đức lại có lãi 127 tỷ đồng trong khi năm 2020 lỗ nặng gần 2.400 tỷ đồng. Dù vậy, khoản lãi năm 2021 chẳng thấm vào đâu so với những năm dài liên tục thua lỗ trước đó. Hiện tại, Hoàng Anh Gia Lai vẫn đang lỗ lũy kế hơn 4.400 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Hoàng Anh Gia Lai đạt hơn 18.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty chỉ có đúng 78 tỷ đồng tiền mặt. Trong khi đó, nợ phải trả lên tới gần 13.500 tỷ đồng, gấp gần 3 lần vốn chủ sở hữu. Đặc biệt, cổ đông của Hoàng Anh Gia Lai đang ở trong trạng thái bấp bênh vì công ty đối diện nguy cơ hủy niêm yết. Sau khi hồi tố số liệu trong quá khứ trên các kỳ báo cáo tài chính nhiều năm liên tiếp, Hoàng Anh Gia Lai lỗ ròng liên tục trong 4 năm từ 2017 đến 2020.
Đòn bẩy tài chính duy trì ở mức cao. Tại thời điểm 31/12/2021, HAG có 6.450 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 7.045 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Tỷ lệ nợ phải trả/Tổng tài sản là 74,24%. Trong thời gian qua, Tập đoàn đã phải bán đi nhiều mảng hoạt động kinh doanh để giảm dần nợ vay.
Việc duy trì tỷ lệ đòn bẩy cao trong nhiều năm khiến cho tình hình tài chính của Tập đoàn trở nên mất cân đối và chịu gánh nặng nợ lãi khá lớn, bào mòn lợi nhuận. Các khoản phải thu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản của HAG và Tập đoàn đang phải dự phòng nợ phải thu khó đòi lên tới gần 1.900 tỷ đồng. Tại 31/12/2021, các khoản phải thu ngắn hạn của HAG là gần 5.111 tỷ đồng, các khoản phải thu dài hạn lên tới 4.118 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cuối năm 2020. Lượng tiền mặt thấp, chiếm 0,42% so với tổng tài sản. Tính đến ngày 31/12/2021, HAG có vỏn vẹn 78 tỷ đồng tiền mặt. Điều này đã kéo dài trong khoảng 4 – 5 năm gần đây, cho thấy tính bị động của Tập đoàn về khả năng chi trả ngắn hạn và tính thanh khoản của HAG. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của HAG âm 5 năm liên tiếp, cộng với việc duy trì lượng tiền mặt thấp, sẽ khiến Công ty gặp khó khăn trong chi trả lãi vay chưa nói đến cổ tức cho cổ đông.
Cho rằng cần phải thực hiện nghiêm pháp luật chứng khoán, một số nhà đầu tư còn đặt câu hỏi, tại sao cổ phiếu HAG lẽ ra phải hủy niêm yết bắt buộc từ hơn một năm trước, khi có kết quả doanh nghiệp lỗ 3 năm liên tiếp, song HAG vẫn được niêm yết trên HOSE từ đó đến nay? Việc điều chỉnh hồi tố số liệu báo cáo tài chính khiến Công ty bị lỗ là đúng các quy định về kế toán, tại sao lại là cái cớ để các cơ quan quản lý thị trường như HOSE chần chừ không thực hiện nghiêm các quy định về chứng khoán?
Theo quy định, cổ phiếu HAG nằm trong diện hủy niêm yết bắt buộc, chuyển giao dịch sang sàn UPCoM do công ty đã lỗ 3 năm liên tiếp. Mới đây, công ty của bầu Đức đã gửi công văn kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM cho phép Hoàng Anh Gia Lai được áp dụng điều kiện thử thách là nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi mới xem xét đến việc hủy niêm yết.
Lãnh đạo công ty giải thích tình hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc của Hoàng Anh Gia Lai đã có nhiều cải thiện so với trước đây, nhiều khoản nợ vay và trái phiếu tồn đọng đã được tất toán, năm 2021 công ty có lãi hơn 120 tỷ đồng và dự kiến năm nay lợi nhuận sẽ vượt 1.100 tỷ đồng. Hiện tại, các cơ quan quản lý ngành chứng khoán chưa đưa ra thông báo chính thức về kiến nghị của Hoàng Anh Gia Lai. Tuy nhiên, đề xuất này của doanh nghiệp phố núi không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành về thị trường chứng khoán.
Ngân hàng sẽ bán 25,4 triệu cổ phiếu HNG do Hoàng Anh Gia Lai đang nắm giữ để thu nợ. Hình thức giao dịch gồm bán thỏa thuận, khớp lệnh trên sàn từ ngày 15/2 đến ngày 16/3. Hiện tại, cổ phiếu HNG ở vùng giá 9.510 đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo mức giá này, ngân hàng có thể thu hồi hơn 240 tỷ đồng sau khi bán hết số cổ phiếu HNG thuộc sở hữu của Hoàng Anh Gia Lai nói trên.
Đáng chú ý, phía ngân hàng cũng mới vừa hoàn tất giao dịch bán 48,1 triệu cổ phiếu HNG của Hoàng Anh Gia Lai với mục đích thu nợ trong khoảng thời gian từ ngày 17/1 đến 10/2. Hiện tại, Hoàng Anh Gia Lai chỉ còn sở hữu 11,7% cổ phần HAGL Agrico và sắp tới có thể sẽ còn giảm tỷ lệ nắm giữ xuống 9,4% nếu ngân hàng bán thêm 25,4 triệu cổ phiếu HNG.
Tổng Hợp